Tăng cường phối hợp giữa Viện KSND với các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tại Viện KSND huyện Tây Sơn

Bài tham luận của Viện KSND huyện Tây Sơn

Ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc là nội dung quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Người là biểu tượng cao đẹp nhất của chủ nghĩa yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Người là kết tinh rạng người của đạo đức, trí tuệ, khí phách, lương tri của dân tộc và thời đại ...  Theo Người, nhân tố mang tính quyết định đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc chính là sức mạnh của toàn dân tộc, nhưng đồng thời “phải củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới”. Nói cách khác, phải biết kết hợp khéo léo, chặt chẽ giữa phát huy sức mạnh nội lực và sức mạnh ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, tranh thủ tố đa mọi nguồn lực thực hiện thắng lợi mục tiêu cách mạng. Đề cao tự lực, tự cường nhưng không rơi vào cô lập, biệt lập. Người cũng chỉ rõ, trong mối quan hệ giữa sức mạnh nội lực và ngoại lực, sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, sức mạnh nội lực, sức mạnh dân tộc là nguồn lực nội sinh, giữ vai trò quyết định; sức mạnh ngoại lực, sức mạnh thời đại là nguồn lực từ bên ngoài, quan trọng bổ trợ, gia tăng thêm sức mạnh của dân tộc, phát huy tác động thông qua nguồn lực từ bên ngoài. Trên cơ sở vận dụng tư tưởng nêu trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, quy định tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ.Tổ chức và hoạt động của VKSND nói riêng cũng như các cơ quan tư pháp nói chung là do Đảng lãnh đạo, mặc dù mỗi cơ quan có chức năng, nhiệm vụ, vị trí, vai trò khác nhau trong hệ thống bộ máy các cơ quan nhà nước. Suy cho cùng, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của ngành KSND tuy là công tác chuyên môn nhưng mang bản chất chính trị sâu sắc, phục vụ đắc lực cho các nhiệm vụ chính trị của Đảng trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; bảo đảm và phát huy quyền dân chủ của công dân. Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, các cơ quan tư pháp vừa có trách nhiệm tuân thủ các qui định của pháp luật, đồng thời có sự phối hợp tốt với nhau chính là đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất của các cấp ủy Đảng.

Theo qui định của pháp luật, hệ thống bộ máy nhà nước ta được tổ chức trên cơ sở nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp. Viện kiểm sát và các cơ quan tư pháp khác có chức năng, nhiệm vụ khác nhau, có những quyền hạn độc lập với nhau, ràng buộc với nhau. Bên cạnh việc phải thực hiện nghiêm túc các qui định của pháp luật về nhiệm vụ, quyền hạn của mình; các cơ quan tư pháp phối hợp chặt chẽ với nhau có ý nghĩa phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan này, hạn chế tình trạng thực thi chức năng nhiệm vụ một cách “pháp lý đơn thuần” hoặc tình trạng “quyền anh, quyền tôi” giữa các cơ quan tiến hành tố tụng.
Quan hệ phối hợp giữa VKS với các cơ quan tư pháp là một đòi hỏi khách quan từ thực tiễn, bởi lẽ tuy Nhà nước ta đã có hệ thống pháp luật khá đầy đủ nhưng trong bản thân mỗi đạo luật, trong các chế định hay ngay trong các qui định của pháp luật vẫn còn có những vướng mắc, những nhận thức khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn khác nhau trong thực tiễn. Bên cạnh đó, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và năng lực của đội ngũ các Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán cũng khác nhau, do vậy việc phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với nhau có ý nghĩa thực tiễn quan trọng, góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc, góp phần đảm bảo tính thống nhất trong nhận thức và áp dụng pháp luật.
Xuất phát từ nhận thức như trên, Viện KSND huyện Tây Sơn đã có những biện pháp đổi mới trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm phát huy nội lực của cán bộ, kiểm sát viên trong đơn vị với mục tiêu “Đoàn kết, trách nhiệm, khát vọng cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Đồng thời, đơn vị luôn quan tâm đến việc xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng mối quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp trên địa bàn huyện để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; coi quan hệ phối hợp vừa là mục tiêu công tác cần đạt được, đồng thời là biện pháp để nâng cao chất lượng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành. Viện kiểm sát huyện Tây Sơn quán triệt quan hệ phối hợp phải đảm bảo các yêu cầu cơ bản sau đây: Phải tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh qui định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan (mỗi bên); khắc phục các biểu hiện cực đoan trong phối hợp như: hoặc nhấn mạnh quan hệ phối hợp mà coi thường (thậm chí xa rời) tính độc lập trong chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan hoặc ngược lại, chỉ thấy tính độc lập mỗi cơ quan mà không quan tâm đến quan hệ phối hợp; quan hệ phối hợp phải được xây dựng trên cơ sở các qui định, qui chế liên ngành hoặc đa ngành; quan hệ phối hợp phải góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan trên cơ sở thống nhất phương hướng, nhiệm vụ đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng.
Ngay từ nhiều năm trước, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn đã phối hợp với cơ quan Công an và Tòa án huyện Tây Sơn xây dựng các Qui chế phối hợp liên ngành trong các lĩnh vực giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm; trong giải quyết các vụ án, trong chỉ đạo, điều hành. Trong những năm qua, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn đã hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung các qui định trong các Qui chế đã có. Có thể nói, hầu hết các lĩnh vực công tác đều đã có các qui định về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án. Các qui định nói trên đã phát huy tác dụng, hỗ trợ cho Viện kiểm sát trong việc thực hiện tốt các chỉ tiêu công tác, khắc phục các hạn chế, tồn tại, nâng cao chất lượng các công tác thực hiện chức năng, cụ thể như sau:
- Đối với Cơ quan điều tra: Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn có Qui chế phối hợp trong giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, theo Qui chế này, định kỳ hàng tháng, Cơ quan điều tra thông báo cho Viện kiểm sát kết quả giải quyết, những tin báo, tố giác còn quá hạn, lý do quá hạn. Việc tiến hành kiểm sát trực tiếp Cơ quan điều tra về lĩnh vực này được thực hiện theo định kỳ và được Cơ quan điều tra ủng hộ, có qui định phối hợp chặt chẽ hơn với Cơ quan điều tra trong việc kiểm sát khởi tố, trong quá trình điều tra và trước khi kết thúc điều tra. Để phối hợp tốt hơn, Viện kiểm sát huyện Tây Sơn qui định trước khi khởi tố, Điều tra viên hoặc lãnh đạo Cơ quan điều tra trao đổi, thống nhất với Viện kiểm sát trước khi khởi tố vụ án; trao đổi về kế hoạch điều tra để cùng thống nhất đưa ra các yêu cầu, nội dung, các vấn đề cần điều tra làm rõ. Trước khi kết thúc hồ sơ chuyển sang Viện kiểm sát, Điều tra viên trao đổi kết quả điều tra với Viện kiểm sát để có thể thống nhất việc có cần phải điều tra bổ sung thêm vấn đề gì hoặc đã đủ căn cứ và thủ tục tố tụng để kết thúc điều tra hay chưa. Do có quan hệ phối hợp chặt chẽ nên Viện kiểm sát huyện Tây Sơn hạn chế phải kiến nghị bằng văn bản với Cơ quan điều tra, hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung. Trong năm 2021, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn không có bị can nào phải đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án bởi lý do không phạm tội; không có bị cáo nào VKS truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội, không có vụ án nào phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
- Trong quan hệ với Tòa án, Viện kiểm sát huyện Tây Sơn có nhiều qui định về quan hệ phối hợp trong lĩnh vực giải quyết án hình sự, dân sự; cụ thể như qui định về bổ sung thêm tài liệu, thủ tục trước khi cần phải trả hồ sơ điều tra bổ sung; về thông báo lịch xét xử, nhất là thực hiện chủ trương của ngành về các phiên tòa rút kinh nghiệm. Từ khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao có chủ trương chỉ đạo Viện kiểm sát các cấp thực hiện các phiên tòa rút kinh nghiệm với chỉ tiêu tính theo từng Kiểm sát viên (thay cho cách gọi việc thực hiện các phiên tòa theo tinh thần cải cách tư pháp), Viện kiểm sát huyện Tây Sơn đã đưa vào qui định về quan hệ phối hợp giữa hai ngành trong việc thực hiện chủ trương này. Trong qui chế phối hợp liên ngành còn qui định hàng năm, Viện kiểm sát phối hợp với Tòa án, Cơ quan điều tra tổ chức các hội nghị rút kinh nghiệm về quan hệ phối hợp và các vấn đề chuyên môn, nghiệp vụ phát sinh trong công tác của mỗi cơ quan.
Trong lĩnh vực giải quyết các vụ án dân sự, hành chính, giữa hai ngành Kiểm sát và Tòa án huyện Tây Sơn có qui định nếu qua hoạt động kiểm sát mà phát hiện ra vi phạm của Tòa án trong việc áp dụng các thủ tục tố tụng cũng như trong thu thập, đánh giá chứng cứ thì Kiểm sát viên trao đổi với Thẩm phán thụ lý vụ án để xem xét, khắc phục trước khi tham gia phiên tòa. Nếu Tòa án không khắc phục các vi phạm hoặc tồn tại đó thì mới sử dụng đến các quyền hạn theo pháp luật qui định như phát biểu quan điểm tại phiên tòa hay báo cáo, đề xuất với lãnh đạo Viện xem xét kháng nghị phúc thẩm. Do có quan hệ phối hợp tốt ngay từ đầu nên trong năm 2021, Viện kiểm sát huyện Tây Sơn không có kháng nghị phúc thẩm trong lĩnh vực kiểm sát xét xử án dân sự.
- Trong lĩnh vực kiểm sát thi hành án, Viện kiểm sát huyện Tây Sơn cũng có quan hệ phối hợp chặt chẽ với Cơ quan thi hành án dân sự và hình sự; cụ thể như đã tạo ra quan hệ phối hợp, trao đổi, thông báo thường xuyên giữa Nhà tạm giữ Công an huyện Tây Sơn với Viện kiểm sát về các trường hợp sắp hết hạn tạm giữ, tạm giam; do vậy trong năm 2021, không có trường hợp nào quá hạn tạm giữ, tạm giam, các đối tượng trong Nhà tạm giữ đều chấp hành tốt nội qui, không có trường hợp nào vi phạm kỷ luật, không để xảy ra trường hợp trốn, chết, suy kiệt sức khỏe hoặc phạm tội mới trong Nhà tạm giữ. Đối với Cơ quan Thi hành án dân sự thường xuyên trao đổi thông tin, tạo điều kiện cho Kiểm sát viên trực tiếp tham gia các hoạt động thi hành án của Cơ quan Thi hành án ngay từ đầu, thường xuyên họp bàn giải quyết các vụ việc phức tạp, khó thi hành, tồn đọng kéo dài. Qua đó tạo điều kiện để Viện kiểm sát chủ động phối hợp với Cơ quan thi hành án dân sự trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan.
Bên cạnh những qui định thành văn về quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp, trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, Lãnh đạo Viện kiểm sát huyện Tây Sơn có quan hệ phối hợp chặt chẽ với Lãnh đạo các Cơ quan điều tra, Tòa án, Thi hành án, thường xuyên trao đổi thông tin, bàn bạc việc giải quyết những vụ việc, các vướng mắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại địa phương. Không chỉ có quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn còn có quan hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của UBND huyện; kịp thời thông báo, trao đổi với nhau về nhận thức, đánh giá cũng như quan điểm giải quyết đối với các vụ việc phức tạp, nhạy cảm, các vấn đề và điểm nóng (như giải quyết các vụ việc khiếu kiện đông người, vụ việc tranh chấp về đất đai,...). Qua đó kịp thời chỉ đạo các cơ quan tiến hành tố tụng trên địa bàn huyện áp dụng các biện pháp tố tụng, kết hợp với các biện pháp hành chính của cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần giải quyết đúng đắn các vụ việc phức tạp.
Có thể khẳng định, việc xây dựng, củng cố quan hệ phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân huyện Tây Sơn với các cơ quan tư pháp cũng như các cơ quan quản lý hành chính của huyện Tây Sơn đã góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả các công tác thực hiện chức năng của ngành Kiểm sát tại địa phương cũng như công tác của các cơ quan tư pháp khác; góp phần tích cực nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm, thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương dưới sự Lãnh đạo của các cấp ủy Đảng.
Do đó, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng cống hiến có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc việc thực hiện công tác của ngành KSND, tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại, các yêu cầu thực tiễn đặt ra là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm triển khai thực hiện tốt chuyên đề toàn khóa nêu trên trong ngành KSND./.
 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 Tiếp

Số lượt truy cập:7,757,815 lượt

Số người online:3,493 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn