Nói về cán bộ và công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cán bộ là cái dây chuyền của nhà máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.”, “Cán bộ là cái gốc của mọi vấn đề, mọi công việc thành hay bại đều do cán bộ”.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, Người chỉ rõ: “Nơi nào mà cán bộ cấp trên biết lựa chọn và dìu dắt, thì có nhiều cán bộ mới nảy nở và công việc rất phát triển. Trái lại, nơi nào cán bộ cấp trên không biết lựa chọn, dìu dắt, thì vẫn thiếu người mà công việc cứ luộm thuộm”, “Nơi nào có cán bộ tốt, thì cả vùng đó hoạt động như một bộ máy. Và cả vùng đó tỏ ra một bầu không khí hăng hái, vui vẻ”. Để có cán bộ tốt, làm được việc phải chú trọng đến khâu đào tạo, huấn luyện, Người chỉ rõ: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.
Về bố trí, sử dụng cán bộ, Người nói: “Phải khéo dùng cán bộ. Không có ai cái gì cũng tốt, cái gì cũng hay. Vì vậy, chúng ta phải khéo dùng người, sửa chữa những khuyết điểm cho họ, giúp đỡ ưu điểm của họ. Thường chúng ta không biết tuỳ tài mà dùng người. Thí dụ: thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao. Thành thử hai người đều lúng túng. Nếu biết tùy tài mà dùng người, thì hai người đều thành công”, hoặc “Phải phân phối cán bộ cho đúng. Thí dụ: trong một nơi quan trọng ở một thành thị to thì phải phái những cán bộ có quan hệ khăng khít với quần chúng. Họ là người trong quần chúng mà ra, có sáng kiến, tinh thần, chắc chắn, chí khí vững vàng. Phải dùng người đúng chỗ, đúng việc”.
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với công tác cán bộ, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 về “Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Đây là một Nghị quyết đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược dài hạn, giải quyết những vấn đề then chốt, cấp bách nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế. Nhằm thực hiện, triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả những vấn đề đã nêu trong Nghị quyết số 26-NQ/TW về công tác cán bộ, ngày 25/02/2019 Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 179-QĐ/TW về chế độ kiểm tra, giám sát công tác cán bộ.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, quán triệt thực hiện quy định của Đảng, của Ngành về công tác cán bộ, Ban Cán sự đảng Viện KSND tỉnh Bình Định đã xác định công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, đột phátrong cả nhiệm kỳ 2020-2025, nhất là việc lựa chọn đúng và phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp kiểm sát sẽ quyết định chất lượng công tác của toàn ngành. Từ nhận thức nêu trên, được sự chỉ đạo củaBan Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Định, Phòng TCCB đã quyết tâm thực hiện nhiều biện pháp theo yêu cầu của ngành như: chủ động rà soát, bổ sung nguồn quy hoạch theo phương châm “động” và “mở”; việc đào tạo cán bộ không chỉ qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng mà còn từ phân công, giao việc phù hợp nhằm tạo nguồn cán bộ chủ chốt cho ngành; tập trung rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ; xác định những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm; địa bàn có số lượng công việc lớn hoặc công việc ít nhưng phức tạp…để bố trí cán bộ, chuyển đổi nhiều vị trí công tác để tạo môi trường, điều kiện rèn luyện, thử thách nhằm đào tạo toàn diện cán bộ, đáp ứng yêu cầu “biết nhiều việc, chuyên sâu 1 hoặc 2 việc”, khắc phục tính trì trệ “ở quá lâu tại 1 vị trí, lĩnh vực công tác” nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng cao chất lượng đội ngũ công chức đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trong tình hình mới, đặc biệt là lựa chọn đúng người đứng đầu vì vai trò, vị trí, trách nhiệm của người đứng đầu rất quan trọng, như một đầu tàu kéo cả đoàn tàu chạy. Người đứng đầu được phân công vị trí phù hợp với năng lực, sở trường; cán bộ phát huy năng lực thì kết quả công tác của đơn vị được nâng lên, khắc phục được tồn tại, hạn chế trước đây, trật tự, kỷ cương chuyển đổi rõ nét. Đây chính là một trong những lý do Ngành KSND tỉnh Bình Định tạo được sự chuyển biến tích cực trên tất cả các mặt công tác trong những năm gần đây, liên tục đạt và vượt các chỉ tiêu quan trọng Quốc hội, ngành giao hàng năm, năm sau tốt hơn năm trước, chất lượng công tác giải quyết án hình sự tiếp tục được nâng lên; không để xảy ra các trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm;chất lượng công tác điều tra, truy tố được quan tâm đúng mức, vi phạm, sai sót giảm dần, số hồ sơ phải trả để điều tra bổ sung giảm và thấp hơn so với chỉ tiêu, tỷ lệ theo yêu cầu của Quốc hội và của Ngành; chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp có nhiều chuyển biến rõ nét; góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, xây dựng ngành, phát triển kinh tế - xã hội, ổn định tình hình trật tự địa phương.
Trong những năm qua, Ban Cán sự Đảng Viện KSND tỉnh đã tập trung hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy làm việc theo đề án của Ngành, sáp nhập Phòng Thống kê tội phạm – CNTT vào Văn phòng tổng hợp, Phòng khiếu tố vào Thanh tra, cơ cấu lại 2 phòng KSĐT; tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ công chức gắn với thực hiện Đề án vị trí việc làm và Đề án tổ chức biên chế của Ngành, đến nay đã giảm 17 biên chế (đạt 8,2 %) so với năm 2015; thực hiện tốt việc luân chuyển công chức và công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý ở hai cấp kiểm sát, đảm bảo nguồn cán bộ kế cận chất lượng; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với đội ngũ lãnh đạo trẻ; thực hiện tốt công tác tuyển chọn các chức danh tư pháp theo Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, từ chức, thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, cách chức đối với công chức trong ngành KSND và hướng dẫn của Viện KSND tối cao.
Trước tình hình tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, tranh chấp ngày càng tăng, yêu cầu cải cách tư pháp ngày càng cao, trong khi kinh phí, biên chế năm sau luôn giảm so với năm trước trong 5 năm trở lại đây, nhưng với sự chủ động, linh hoạt trong việc phân bổ biên chế ở các đơn vị, đã giúp cho các đơn vị giải quyết công việc thông suốt. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại chức vụ lãnh đạo quản lý, chức danh tư pháp luôn được thực hiện nhanh chóng, đáp ứng kịp thời công tác THQCT, KS hoạt động tư pháp tại các đơn vị. Công tác bổ nhiệm, điều động, luân chuyển luôn được cân nhắc kỹ lưỡng nên các đồng chí được bổ nhiệm, điều động, luân chuyển đã khẳng định, thể hiện được năng lực, kinh nghiệm, bản lĩnh của mình, giúp đơn vị đạt được nhiều kết quả nổi bật, từ đó góp phần vào những thành tích chung và nâng cao hình ảnh, uy tín của ngành KSND tỉnh Bình Định.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng phân bổ hàng năm rất ít, nhưng công tác đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, số cán bộ học Thạc sỹ Luật chiếm tỷ lệ cao, hầu hết cán bộ đã học đủ chuẩn theo quy định. Ngoài ra, Viện KSND tỉnh còn tích cực tổ chức nhiều hình thức tự đào tạo, bồi dưỡng đã tạo ra không khí thi đua học tập nâng cao trình độ nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị trong cán bộ, công chức.
Để xây dựng đội ngũ cán bộ đạt tiêu chuẩn “vừa hồng, vừa chuyên” theo tư tưởng Hồ Chí Minh và tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW, hoàn thành tốt những nhiệm vụ đã đề ra, cần thực hiện một số giải pháp cụ thể sau:
- Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt thực hiện việc nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên và quần chúng phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc về vai trò, vị trí và tầm quan trọng đối với chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ mà Nghị quyết số 26-NQ/TW đã đề ra.
- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kết hợp với quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ. Thực hiện tốt công tác luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác, mạnh dạn giao việc, để đào tạo toàn diện, tạo môi trường rèn luyện, thử thách cho cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ năng lực chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có trách nhiệm, uy tín và bản lĩnh để đáp ứng yêu cầu công tác trong thời kỳ mới.
- Cấp ủy đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cần phải có trách nhiệm cao trong việc đánh giá, bố trí đúng cán bộ, phù hợp với năng lực, sở trường. Cần tuân theo một quy trình thống nhất giữa các khâu, từ phát hiện, tuyển chọn, đào tạo đến bố trí, sử dụng theo những tiêu chí cụ thể, rõ ràng theo đúng quy định và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
- Chú trọng bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trước hết bằng biện pháp tự đào tạo, tự rèn luyện, học hỏi, tích cực tham gia các cuộc thi do Ngành tổ chức để qua đó nâng cao tầm hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; quán triệt về thực hiện đạo đức lối sống của người cán bộ Kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Trong thực thi nhiệm vụ phải luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có ý thức giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành; quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải gắn trách nhiệm của công chức, Kiểm sát viên với trách nhiệm của đảng viên và thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm.
- Tiếp tục thực hiện Kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác, điều động cán bộ công chức năm 2022 theo Quyết định 161/QĐ-VKS ngày 28/4/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao và Kế hoạch số 82/KH-VKS-TCCB ngày 18/01/2022 của Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định để đảm bảo ngăn ngừa, phòng chống suy thoái, trì trệ, tiêu cực và bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ gắn với thực hiện chủ trương Viện trưởng cấp huyện không phải người địa phương và không giữ chức vụ lãnh đạo quản lý quá 02 nhiệm kỳ tại một địa phương, đơn vị.
- Đánh giá lại toàn diện nguồn cán bộđể rà soát, bổ sung quy hoạch; phấn đấu quy hoạch theo cơ cấu 3 độ tuổi; tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ phù hợp với lĩnh vực công tác để tạo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, nhất là người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt; kịp thời bổ sung các nhân tố mới có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp, có năng lực chuyên môn, triển vọng phát triển và đưa ra khỏi quy hoạch những trường hợp còn hạn chế kéo dài không khắc phục được.
- Tập trung rà soát, đánh giá cán bộ để có biện pháp chỉ đạo, chấn chỉnh, nhắc nhở những trường hợp có phong cách, lề lối làm việc chưa chuẩn mực, năng lực trình độ còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Đối với những cán bộ này sau thời gian theo dõi nếu không có chuyển biến sẽ không bổ nhiệm lại hoặc chuyển đổi vị trí công tác khác phù hợp. Kiên quyết không chấp nhận cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ kéo dài, nhất là với vai trò lãnh đạo theo tinh thần Nghị quyết số 40-NQ/BSCĐ ngày 30/3/2022 của Ban Cán sự Đảng Viện KSND tối cao quyết nghị về một số chủ trương trong công tác cán bộ.
- Đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên có chuyên môn giỏi, trách nhiệm và bản lĩnh bố trí trong khâu công tác lĩnh vực trọng điểm mới như kiểm sát giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại; đào tạo, bồi dưỡng một số đồng chí có kiến thức xử lý về tội phạm công nghệ cao; thường xuyên giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, bản lĩnh nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ trong Ngành gắn với việc tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết TW 4 (Khóa XI, XII, XIII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05-CT/TW, Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị và chuyên môn trong tình hình mới.