Bài tham luận của Văn phòng Tổng hợp
1. Phát huy ý chí tự lực tự cường và khát vọng hoàn thành nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp của Văn phòng Viện KSND tỉnh Bình Định
Nếu "tự lực" có nghĩa là dựa vào sức mình để sống và làm việc, không trông chờ, ỷ lại vào người khác thì "tự cường" có nghĩa là tự làm cho mình mạnh lên. Tự lực, tự cường là những phẩm chất tốt đẹp của mỗi con người, mỗi dân tộc vì trong đó chứa đựng lòng tự trọng, ý chí vươn lên và khát vọng khẳng định bản thân.Đại hội XIII của Đảng đã xác định các quan điểm chỉ đạo công cuộc đổi mới hiện nay, trong đó nhấn mạnh: "Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc…".
Học tập theo tư tưởng về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc của chủ tịch Hồ Chí Minh, hiểu được vai trò, sứ mệnh và nhiệm vụ lớn lao của mình, thực hiện theo định hướng của Đảng ủy Viện KSND tỉnh Bình Định, Chi ủy và các đồng chí Lãnh đạo, cán bộ Văn phòng tổng hợp đã xác lập cho mình được mục tiêu, nhiệm vụ then chốt nhất quán trong công tác văn phòng.
Có thể nói, Văn phòng tổng hợp trong Ngành KSND nói chung và Văn phòng tổng hợp Viện KSND tỉnh Bình Định nói riêng thực hiện các công tác tham mưu, tổng hợp; công tác hành chính tư pháp, công tác tài chính, hậu cần, cơ yếu, lưu trữ, thi đua – khen thưởng, sáng kiến giải pháp công tác, thông tin liên lạc và các nhiệm vụ bảo đảm hoạt động bình thường của cơ quan, đơn vị. Trong tất cả các nhiệm vụ của Văn phòng thì công tác tham mưu, tổng hợp là một trong những nhiệm vụ quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của Văn phòng nói riêng và của toàn ngành KSND tỉnh Bình Định nói chung.
“Công tác tham mưu - tổng hợp trong ngành Kiểm sát nhân dân là tổng thể các hoạt động trợ giúp công tác lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND tối cao theo nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện KSND, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Luật Tổ chức Viện KSND; góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”. Như vậy, công tác tham mưu, tổng hợp không đơn thuần chỉ là đề xuất các chủ trương mà còn phải đưa ra được các giải pháp, cách thức tổ chức triển khai thực hiện phù hợp, khoa học, hiệu quả giúp lãnh đạo quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Tham mưu mà làm việc theo kiểu dĩ hòa vi quý, cố làm đẹp lòng cấp trên bằng bất cứ giá nào thì chỉ có hại cho quốc kế dân sinh”.
Trong những năm qua, cùng với việc từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, tổng hợp phục vụ cho hoạt động của Ngành, Văn phòng Viện KSND tỉnh Bình Định đã đặc biệt coi trọng và không ngừng nỗ lực, cố gắng làm tốt chức năng của một “đơn vị tham mưu, tổng hợp của Lãnh đạo Viện, mà trực tiếp, thường xuyên là Viện trưởng Viện KSND tỉnh trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị tham mưu, đề xuất các mặt công tác thuộc lĩnh vực kiểm sát, lĩnh vực nội chính, đối ngoại của Ngành”.
Có thể nói, ở Văn phòng tổng hợp Viện KSND tỉnh Bình Định, việc học trong công việc, học qua trải nghiệm được diễn ra thường xuyên, hàng ngày. Cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp luôn nhớ lời dạy của Bác “Học tập trong việc làm hàng ngày, trong việc lớn cũng như việc nhỏ”, "Lấy tự học làm cốt" và phải học tập suốt đời.
2. Kết quả công tác thực hiện chức năng nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp
Trong công tác tham mưu, những năm qua Văn phòng Viện KSND tỉnh Bình Định đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ, tích cực nghiên cứu, nắm vững chủ trương, chính sách, Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm của Ngành.
Từ năm 2019 – 2021, Văn phòng đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện chỉ đạo ban hành 12 chương trình, kế hoạch và tổ chức có hiệu quả các Hội nghị tập huấn, tập huấn chuyên sâu. Với khối lượng công việc lớn, chỉ tính riêng văn bản, cụ thể như năm 2021, Văn phòng đã tham mưu Lãnh đạo Viện xử lý trên 9.648 văn bản đến các loại, phát hành trên 2.549 văn bản đi, tham mưu chuẩn bị tốt các tài liệu, báo cáo phục vụ cho các kỳ họp của HĐND, các hội nghị của Lãnh đạo Viện KSND tỉnh đảm bảo đúng yêu cầu.
Văn phòng tổng hợp đã đề xuất nhiều giải pháp, sáng kiến, cách làm hay như: Tích cực, chủ động tham mưu ban hành các kế hoạch công tác theo tháng, quý. Tham mưu tổ chức giao ban nội bộ trực tuyến hàng tháng nhằm đánh giá, kiểm tra tiến độ thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác theo kế hoạch; bên cạnh đó việc khai thác, sử dụng hệ thống truyền hình trực tuyến để mở rộng thành phần tham dự, tiết kiệm kinh phí và nâng cao chất lượng hiệu quả các cuộc giao ban.
Trong công tác tổng hợp Văn phòng đã tham mưu cho Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh kịp thời xây dựng các kế hoạch công tác và tổ chức Hội nghị toàn ngành.
Theo thống kê, trong 03 năm từ 2019 – 2021, bộ phận tham mưu tổng hợp của Văn phòng Viện KSND tỉnh Bình Định đã thực hiện các loại báo cáo tổng hợp với gần 180 báo cáo tuần, 36 báo cáo tháng, 12 báo cáo quý, 06 báo cáo sơ kết, 03 báo cáo cáo năm công tác; 06 báo cáo HĐND tỉnh và 50 báo cáo đột xuất theo phân công của Lãnh đạo đơn vị; tham mưu soạn thảo ban hành 03 chương trình, 06 kế hoạch công tác kiểm sát năm, 36 kế hoạch giao ban theo từng tháng, quý, sơ kết, năm; 06 kế hoạch công tác thi đua - khen thưởng; 06 báo cáo theo kỳ họp của Quốc Hội; 06 báo cáo Thi đua Khối nội chính tỉnh Bình Định.
- Bên cạnh đó, Văn phòng Viện KSND tỉnh đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, tích cực ứng dụng CNTT, đẩy mạnh tin học hóa trong công tác văn phòng, tăng cường sử dụng hệ thống Văn phòng điện tử trong nội bộ cơ quan để chuyển, nhận văn bản qua file điện tử đảm bảo thông tin nội bộ kịp thời, đầy đủ, chính xác. Do vậy, việc phối hợp xử lý công việc giữa các bộ phận ngày càng chặt chẽ, thời gian được đảm bảo, qua đó đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Viện KSND tỉnh.
Văn phòng tổng hợp Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; nhiều năm liền được công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”, được tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2013, thường xuyên được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tặng “Bằng khen” vì có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua hằng năm. Chi bộ Văn phòng nhiều năm liền được công nhận là Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, công tác văn phòng có lúc, có nơi cũng còn chậm trễ, một số công chức làm công tác tham mưu, tổng hợp mới chỉ đáp ứng được nhiệm vụ làm công tác tổng hợp xây dựng các báo cáo, chưa chủ động trong công tác tham mưu cho lãnh đạo, nhất là tham mưu về công tác quản lý, chỉ đạo điều hành.
3. Nguyên nhân, giải pháp
* Nguyên nhân: một số công chức làm công tác tham mưu, tổng hợp chưa nhận thức đầy đủ nhiệm vụ của mình,nặng về tổng hợp chưa chủ động tham mưu; số lượng, cơ cấu công chức bộ phận tham mưu, tổng hợp còn thiếu so với yêu cầu trong khi đó khối lượng công việc hàng năm phát sinh nhiều; đội ngũ công chức thường xuyên có sự thay đổi do việc luân chuyển, điều động. Hơn nữa, nhiều đơn vị thường bố trí công chức mới tuyển dụng, chưa qua đào tạo nghiệp vụ, chưa có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động kiểm sát, phần nào làm ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc; công tác phối hợp giữa các đơn vị trong Ngành có lúc chưa chặt chẽ, kịp thời; phối hợp giữa tham mưu, tổng hợp và thống kê chưa nhịp nhàng. Viện kiểm sát cấp huyện công chức làm các công tác này đều là kiêm nhiệm và không ổn định.
Song song với đó, có nhiều loại báo cáo được thực hiện vào cùng thời điểm sơ kết, tổng kết và cùng thời điểm báo cáo phục vụ Viện trưởng VKSND tối cao trước Quốc hội nhưng yêu cầu thời hạn gấp nên việc triển khai đến các đơn vị liên quan thực hiện báo cáo còn gặp khó khăn do thời hạn ngắn, dẫn đến chưa bảo đảm chất lượng. Do thời điểm kết thúc năm công tác của các ngành khác nhau (ngành Tòa án, Thi hành án kết thúc năm công tác vào 30/9, Ngành Kiểm sát kết thúc vào 30/11, ngành Công an kết thúc vào 30/12) nên thời điểm lấy số liệu, nhất là một số chỉ tiêu nghiệp vụ từng Ngành khác nhau, dẫn đến báo cáo của các cơ quan tư pháp thường có những số liệu, nhận định, đánh giá khác nhau về tình hình tội phạm. Một số đơn vị còn gửi báo cáo chưa đảm bảo thời gian, chất lượng một số báo cáo còn hạn chế (báo cáo chung chung, sơ sài, không theo đề cương hướng dẫn,...), chưa nêu được những điểm nổi bật của đơn vị đã triển khai thực hiện, chưa tổng hợp, đánh giá được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để tham mưu đề xuất, kiến nghị với cấp trên.
* Giải pháp: Từ thực tiễn công tác Văn phòng Viện KSND tỉnh xin được mạnh dạn đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, Chi bộ Văn phòng cần tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường dân tộc, khát vọng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ mà Ngành đã giao phó. Mỗi cán bộ, Đảng viên làm công tác tham mưu tổng hợp nói riêng và công tác Văn phòng nói chung cần không ngừng rèn luyện, phấn đấu để đáp ứng các yêu cầu: Nhạy bén, linh hoạt, dũng cảm để phát hiện, đề xuất vấn đề then chốt, trọng tâm một cách nhanh, đúng, trúng, sát; có tri thức toàn diện cả bề rộng, tầm cao và chiều sâu theo hướng giỏi chuyên môn, hiểu những chuyên ngành, biết tri thức của các chuyên ngành khác, sử dụng thành thạo các phương tiện công nghệ hiện đại để khai thác tốt nhất mọi nguồn lực phục vụ hoạt động tham mưu, tổng hợp.
Hai là, Như bác Hồ đã dạy: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, yếu tố quyết định chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu là đội ngũ cán bộ. Do đó Ngành cần tạo điều kiện để công chức có điều kiện tham gia các khóa học bồi dưỡng chuyên sâu về công tác tham mưu tổng hợp, công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp để người làm công tác tham mưu tổng hợp có kiến thức toàn diện, nắm chắc việc vận dụng các thao tác nghiệp vụ; các lớp bồi dưỡng kiến thức về ứng dụng tin học văn phòng và các chương trình khác về công tác văn phòng. Bên cạnh đó cán bộ văn phòng cần phát huy khả năng tự học, tự rèn luyện, xem việc học tập nâng cao trình độ là một nhiệm vụ mà người cán bộ phải hoàn thành, nêu cao tinh thần chịu khó, vừa học, vừa làm, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập nghiên cứu.
Mặt khác, cần bố trí, sử dụng cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp trên cơ sở đánh giá, tuyển chọn, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, năng lực, sở trường; cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp phải là những người đã có thời gian ít nhất 05 năm làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; có tinh thần trách nhiệm, hiểu biết sâu về các khâu công tác nghiệp vụ của Ngành. Điều chỉnh cơ cấu đội ngũ công chức có chức danh tư pháp và không giữ chức danh tư pháp làm công tác tham mưu, tổng hợp bảo đảm hợp lý, hiệu quả và thống nhất. Song song với đó, trong công tác quy hoạch, đào tạo cán bộ phải coi cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp là nguồn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý các cấp trong đơn vị. Cần có cơ chế ưu tiên về quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm chức vụ quản lý, chức danh tư phápcho những người làm công tác tham mưu, tổng hợp.
Ba là, Tăng cường công tác cải cách lề lối làm việc, ứng dụng thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị, đây là bước đột phá để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tổng hợp của văn phòng. Lãnh đạo Viện tỉnh cần quan tâm hơn nữa việc đầu tư nâng cấp trang thiết bị, phương tiện làm việc phù hợp với tính chất, phục vụ yêu cầu công tác tham mưu, tổng hợp, như máy scan để lưu, chuyển văn bản; máy ghi âm, máy ảnh, các thiết bị văn phòng cần thiết; trang bị mỗi cán bộ tổng hợp, tham mưu 01 máy tính xách tay để thực hiện quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước; nâng cấp hệ thống mạng; tiếp tục phát huy ứng dụng phần mềm “Văn phòng điện tử”. Xác định ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành là một trong những khâu đột phá trong năm, đảm bảo các công việc đều được xử lý theo quy trình chặt chẽ, khoa học, hiệu quả.
Bốn là, cán bộ làm công tác tham mưu tổng hợp nói riêng và cán bộ văn phòng nói chung phải sống, làm việc theo Hiến pháp, pháp luật là đạo lý của công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; cùng với việc chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, cán bộ Văn phòng phải chấp hành nghiêm túc các quy chế, các quy định và nội quy, kỷ luật của cơ quan. Các cán bộ Văn phòng luôn ý thức gương mẫu trong việc thực hiện những quy định về những việc phải làm, những việc không được làm của cán bộ công chức trong thực thi nhiệm vụ, công vụ khi làm việc tại cơ quan, đơn vị mình; trong các mối quan hệ với cấp trên, với cấp dưới và với đồng nghiệp trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
Cán bộ văn phòng phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy phẩm chất đạo đức của người cán bộ kiểm sát: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Cán bộ văn phòng phải thực hiện đầy đủ các quy định về nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ công chức đã được quy định trong các văn bản pháp luật; thực hiện đúng và đầy đủ quy định của pháp luật về trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Người cán bộ văn phòng phải luôn khiêm tốn trong công việc và trong cuộc sống đời thường; trong quá trình tham mưu, đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, xứng đáng là công bộc tận tụy của nhân dân.
4. Kiến nghị, đề xuất
Xuất phát từ vị trí, vai trò quan trọng trong công tác tham mưu, tổng hợp của Văn phòng, đề xuất Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị về công tác văn phòng Viện kiểm sát các cấp giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo để chỉ đạo khắc phục tồn tại, hạn chế và tiếp tục phát huy kết quả đạt được của công tác Văn phòng ngành Kiểm sát nhân dân, giúp nâng cao chất lượng tham mưu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành của Viện trưởng VKS các cấp và công tác phục vụ, bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát các cấp và của toàn Ngành.
Ban cán sự đảng Viện KSND tối cao cần ban hành Nghị quyết về việc điều động, luân chuyển định kỳ để đào tạo cán bộ làm công tác tham mưu, tổng hợp tại Văn phòng Viện kiểm sát các cấp theo hướng sau: người có từ 5 năm làm công tác tham mưu tổng hợp, hoàn thành tốt nhiệm vụ thì tổ chức điều động luân chuyển đến các đơn vị nghiệp vụ theo nguyện vọng và sở trường công tác; điều động, phân công cán bộ của các đơn vị nghiệp vụ đến làm công tác tham mưu tổng hợp tại Văn phòng Viện kiểm sát các cấp, nhằm sử dụng hợp lý những người có trình độ chuyên môn, năng lực, kinh nghiệm và khả năng tư duy tổng hợp đảm nhận công tác tham mưu, tổng hợp.
Viện trưởng Viện KSND tối cao quan tâm chỉ đạo Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội và Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại thành phố Hồ Chí Minh nghiên cứu, đưa chương trình giảng dạy, bồi dưỡng về công tác văn phòng và công tác tham mưu, tổng hợp của ngành Kiểm sát nhân dân vào chương trình đào tạo; hàng năm có kế hoạch đào tạo lại đối với đội ngũ cán bộ làm công tác văn phòng (tham mưu tổng hợp, kế toán tài vụ, văn thư lưu trữ, cơ yếu, quản trị, hậu cần.....) để xây dựng được đội ngũ cán bộ làm công tác văn phòng theo hướng chính quy, chuyên nghiệp và chuyên sâu.
Đề nghị Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao quan tâm phối hợp với các cơ quan Tư pháp Trung ương ban hành Thông tư liên Ngành quy định thống nhất, chặt chẽ về thời điểm lấy số liệu, việc phối hợp xây dựng báo cáo định kỳ (báo cáo tháng, quý, sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và tổng kết công tác hằng năm) giúp cho cơ quan quản lý Nhà nước các cấp nắm được chính xác tình hình vi phạm, tội phạm và những vấn đề phức tạp tại địa phương cũng như toàn quốc trong kỳ báo cáo, để có những chỉ đạo, điều hành chính xác.
Lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp cần quan tâm chỉ đạo đầu tư cơ sở vật chất và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác văn phòng; nâng cấp mạng internet nội bộ bảo đảm các điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin, truyền dữ liệu nội bộ được thông suốt, kịp thời và an toàn, bảo mật./.