Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện KSND tỉnh Bình Định

Bài tham luận của Phòng Thanh tra - Khiếu tố

Thanh tra - Khiếu tố là đơn vị tương đương cấp phòng trực thuộc Viện KSND tỉnh Bình Định. Ngày 01/3/2020, Viện KSND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định sáp nhập giữa đơn vị Thanh tra và Phòng 12 gọi chung là đơn vị Thanh tra - Khiếu tố. Trong những ngày đầu mới đi vào hoạt động, với số lượng biên chế được giao cho đơn vị tương đối ít cộng với khối lượng công việc không nhỏ của 02 đơn vị khi được nhập lại thành một, cùng với đó là cơ chế vận hành, tổ chức hoạt động của đơn vị còn nhiều mặt chưa đồng bộ, đã tạo ra không ít khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, với tâm thế sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thách thức khi nhận nhiệm vụ mới, tinh thần trách nhiệm cao khi thực thi công vụ, sự đoàn kết, đồng lòng từ lãnh đạo đến cán bộ, KSV đã đưa đơn vị bước ra khỏi những khó khăn ban đầu, hoạt động dần đi vào quy củ, bài bản hơn và cho đến nay đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Với đặc thù là 01 đơn vị ghép, thực hiện đồng thời 02 chức năng là thanh tra và tiếp công dân, giải quyết, kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, trong đó đơn vị đặc biệt chú trọng và thực hiện tốt đối với khâu công tác giải quyết khiếu nại trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát. Như chúng ta đều biết quyền khiếu nại là một trong những quyền cơ bản của công dân, được Hiến pháp, pháp luật ghi nhận và bảo đảm thực hiện. Thông qua việc khiếu nại mục đích của công dân là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của tập thể và của Nhà nước khi bị xâm hại, đồng thời phản ánh tính đúng đắn trong hoạt động công vụ của cơ quan nhà nước. Chính vì lẽ đó mà công tác giải quyết khiếu nại luôn được đặt ra đối với tất cả các cơ quan nhà nước từ hành pháp đến tư pháp. Bên cạnh chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật, Viện KSND còn có trách nhiệm giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của mình. Thực tiễn cho thấy, để làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại thì trước hết phải làm tốt công tác giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền. Bên cạnh đó, quyết định giải quyết đơn được gửi cho đương sự nên có thể sẽ được phát tán lưu hành đến các cơ quan báo chí và phương tiện truyền thông khác. Vì vậy, nếu quyết định giải quyết được ban hành đảm bảo đúng quy định, phân tích, lập luận thuyết phục sẽ góp phần khẳng định, nâng cao vị trí vai trò của ngành KSND. Trên cơ sở thực trạng như đã phân tích ở trên và những kết quả tích cực của đơn vị trong những năm qua trong công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền, chúng tôi lựa chọn chủ đề tham luận “Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện KSND” để trình bày những kinh nghiệm, cách làm hay của đơn vị trong quá trình công tác cũng như đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm đưa khâu công tác này ngày càng đạt được chất lượng, hiệu quả cao hơn nữa.
Để việc giải quyết khiếu nại đạt hiệu quả, triệt để, toàn diện, đơn vị đã tập trung, tăng cường thực hiện công tác đối thoại giữa người khiếu nại và người bi khiếu nại. Bên cạnh việc nghiên cứu, phân tích các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ, cán bộ giải quyết khiếu nại cần phải tích cực đối thoại, làm việc trực tiếp với người có đơn khiếu nại, người bị khiếu nại để có thể nắm bắt được toàn diện, khách quan hơn về diễn biến, nội dung sự việc xảy ra, những vấn đề liên quan có thể chưa thể hiện hết trong hồ sơ vụ việc, cũng như có thể nắm rõ hơn những tâm tư, nguyện vọng của các bên, nhất là bên có đơn khiếu nại. Tăng cường việc đối thoại trong giải quyết khiếu nại sẽ giúp ích rất nhiều cho cán bộ giải quyết trong việc tổng hợp, đánh giá chứng cứ, có cái nhìn đa chiều, tổng quan khi giải quyết vụ việc, từ đó sẽ có căn cứ đưa ra được những quyết định chính xác, đúng đắn, đồng thời cũng tạo được sự tin tưởng, an tâm hơn cho các bên trong quá trình giải quyết khiếu nại. Ngoài ra, thông qua việc gặp trực tiếp người khiếu nại tại buổi đối thoại, cán bộ giải quyết khiếu nại có điều kiện để giải thích, phân tích các quy định của pháp luật, đối chiếu với sự việc xảy ra để định hướng người khiếu nại thực hiện quyền khiếu nại và quyền rút nội dung khiếu nại phù hợp. Quá trình giải quyết khiếu nại, có nhiều trường hợp người dân bức xúc, không hài lòng với hướng giải quyết của các cơ quan tiến hành tố tụng cấp huyện nên họ đã liên tục gửi nhiều đơn khiếu nại đến Viện KSND cấp tỉnh và gửi đơn khiếu nại vượt cấp đến nhiều cơ quan khác nhau. Tuy nhiên, thông qua các buổi đối thoại, chính nhờ khả năng thuyết phục, phân tích có lý có tình, khả năng giao tiếp, ứng xử khéo léo, linh hoạt cũng như sự thấu hiểu, thấu tình đạt lý của cán bộ giải quyết đơn đã thay đổi nhận thức của 01 bộ phận người dân, giúp họ nhận ra vụ việc của họ đã được các cơ quan tố tụng cấp huyện giải quyết là đúng đắn, khách quan, phù hợp với các quy định của pháp luật nên đã tự nguyện rút đơn, không tiếp tục khiếu nại không có căn cứ. Nhờ đó, quá trình giải quyết khiếu nại vừa kết thúc nhẹ nhàng, không diễn tiến căng thẳng lại vừa tiết kiệm được thời gian cho các bên và nhất là tránh được tình trạng khiếu nại kéo dài, khiếu nại vượt cấp.
Một yếu tố quan trọng khác để đơn vị có thể thực hiện tốt công tác giải quyết đơn thuộc thẩm quyền đó là đơn vị có sự phối hợp tốt, chặt chẽ với các phòng nghiệp vụ của Viện KSND tỉnh để các bên cùng đi đến thống nhất hướng giải quyết vụ việc 01 cách chuẩn xác nhất. Ngay từ khi lập thủ tục thụ lý đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đơn vị chủ trì việc giải quyết khiếu nại là đơn vị Thanh tra-Khiếu tố sẽ trình Lãnh đạo Viện phụ trách phê duyệt quyết định phân công Tổ xác minh đơn khiếu nại, trong quyết định sẽ bao gồm thành phần là lãnh đạo, KSV của đơn vị Thanh tra-Khiếu tố và KSV của các phòng nghiệp vụ. Quá trình giải quyết đơn, từng thành viên trong Tổ xác minh sẽ tự nghiên cứu nội dung đơn, hồ sơ giải quyết khiếu nại của các cơ quan cấp dưới, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để áp dụng đối với vụ việc. Tiếp đó, Tổ xác minh sẽ tiến hành họp, từng thành viên sẽ trình bày quan điểm cá nhân, hướng giải quyết đối với vụ việc, các yêu cầu xác minh bổ sung nếu chưa đủ căn cứ để kết luận vụ việc, đảm bảo KSV của các phòng nghiệp vụ đều tham gia đóng góp ý kiến vào quá trình giải quyết khiếu nại, qua đó làm tăng độ chính xác, tin cậy trong hướng đánh giá vụ việc bị khiếu nại. Trên cơ sở kết quả của cuộc họp, đơn vị chủ trì giải quyết khiếu nại sẽ làm báo cáo đề xuất hướng giải quyết vụ việc, dự thảo quyết định giải quyết khiếu nại trình Lãnh đạo phụ trách quyết định. Trường hợp ý kiến giải quyết khiếu nại của các thành viên trong Tổ xác minh còn chưa thống nhất, khác quan điểm với nhau, đại diện Tổ xác minh sẽ báo cáo với Lãnh đạo Viện phụ trách để xin ý kiến và có hướng giải quyết tiếp theo.
Qua thực tiễn công tác, đơn vị xin đề xuất một số giải pháp để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của VKS, cụ thể như sau:
Thứ nhất, tăng cường sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Viện. Lãnh đạo Viện cần quan tâm hơn nữa đến công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện KSND, khi phát sinh đơn khiếu nại cần tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, theo dõi tiến độ tham mưu giải quyết, yêu cầu KSV báo cáo kết quả giải quyết kịp thời theo đúng thời hạn quy định. Cần xem xét, phân tích, đánh giá việc khiếu nại có cơ sở hay không? Không nên có tư tưởng bảo thủ theo quan điểm mà trước đó đã được nêu ra khi thực hành quyền công tố đối với vụ án. Quá trình ký quyết định giải quyết khiếu nại cần kiểm tra cẩn thận, trường hợp phát hiện quyết định giải quyết khiếu nại chưa đảm bảo hình thức, không đầy đủ nội dung, không phân tích, lập luận để chấp nhận hay bác bỏ thì phải yêu cầu KSV chỉnh sửa nghiêm túc mới được ban hành. Lãnh đạo đơn vị cần quan tâm, coi trọng công tác giải quyết khiếu nại để đề ra biện pháp lãnh đạo hiệu quả, thường xuyên động viên, khuyến khích cán bộ làm công tác này để giúp họ an tâm, cống hiến.
Thứ hai, đề cao tinh thần trách nhiệm của KSV. KSV được phân công tham mưu trong công tác giải quyết khiếu nại phải đề cao trách nhiệm cá nhân trong công tác giải quyết khiếu nại; cần có nhận thức đúng mức về tầm quan trọng của công tác này cũng như tác hại của việc ban hành quyết định giải quyết không đúng nội dung hoặc hình thức. Từ việc đề cao tinh thần trách nhiệm và sự nhận thức đúng sẽ giúp cho KSV sẽ thận trọng trong quá trình thu thập tài liệu, nghiên cứu hồ sơ và báo cáo kết quả giải quyết cho lãnh đạo. Thực tiễn cho thấy, nếu trong bất kỳ công việc nào chúng ta tâm huyết, đề cao trách nhiệm cá nhân, tận tuỵ, vô tư, công tâm, khách quan trong công việc thì kết quả mang lại sẽ có chất lượng, ngược lại nếu chúng ta thực hiện nhiệm vụ một cách tắc trách, thiếu thận trọng, không kiểm tra kỹ thì sẽ dẫn đến xảy ra sai sót, thậm chí là những sai sót không đáng có.
Thứ ba, cần có sự nhận thức đầy đủ, đúng pháp luật về thẩm quyền, quy trình, nội dung giải quyết. Công tác giải quyết khiếu nại không phát sinh thường xuyên do vậy KSV không thường thực hiện các thao tác nghiệp vụ như các lĩnh vực công tác khác. Vì không làm thường xuyên nên nếu trước khi thực hiện chúng ta không nghiên cứu lại các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết khiếu nại thì dễ dẫn đến sai sót trong việc xác định thẩm quyền, quy trình giải quyết. Do vậy, trước khi tiến hành giải quyết, mỗi KSV cần nghiên cứu lại từng điều luật cụ thể để xác định đúng các bước cần phải tiến hành, tránh sai sót trong việc áp dụng pháp luật.
Thứ tư, chú trọng đúng mức đến công tác đối thoại, giải thích pháp luật trong giải quyết khiếu nại. Trong quá trình giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, cần hết sức coi trọng công tác đối thoại, nhất là phải đảm bảo thành phần tham gia đối thoại, KSV được phân công thụ lý giải quyết đơn cần nắm chắc các quy định pháp luật có liên quan và nội dung khiếu nại để giải thích cho người khiếu nại hiểu rõ được các quy định của pháp luật; đồng thời có phương pháp đối thoại mềm dẻo, nhẹ nhàng nhưng cương quyết, có kỹ năng giao tiếp cơ bản để đảm bảo giải quyết triệt để được nội dung khiếu nại, hạn chế việc khiếu nại vượt cấp, nâng cao uy tín của ngành KSND.
Thứ năm, đề cao tinh thần phối hợp trong công tác giải quyết đơn khiếu nại. Do công tác giải quyết khiếu nại thường phát sinh ở nhiều lĩnh vực khác nhau như trong tố tụng hình sự, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, quản lý hoạt động tạm giữ, tạm giam….Do vậy, giữa bộ phận làm công tác tham mưu giải quyết đơn và bộ phận làm công tác nghiệp vụ phải có sự phối hợp chặt chẽ, từng đơn vị, từng bộ phận thực hiện đúng trách nhiệm phối hợp của mình để cùng tham mưu cho lãnh đạo Viện ban hành quyết định giải quyết đạt chất lượng tốt nhất. Tuyệt đối không được có tư tưởng ỷ lại, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Trên đây là tham luận của đơn vị Thanh tra-Khiếu tố với chủ đề “Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện KSND”. Qua nội dung tham luận, đơn vị đã trình bày những kinh nghiệm, phương pháp mà thực tiễn đơn vị đã áp dụng để thực hiện tốt khâu công tác giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền và đề xuất 01 số giải pháp, kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của khâu công tác trên trong thời gian đến. Công tác khiếu tố nói chung và công tác giải quyết đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền của Viện KSND tỉnh trong những năm gần đây ngày càng được nâng cao về chất lượng, hiệu quả, góp phần vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của Ngành. Có được thành tích trên là nhờ sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng ủy, Ban cán sự Đảng, tập thể Lãnh đạo Viện luôn tạo điều kiện thuận lợi để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của tập thể đơn vị và mỗi một cá nhân trong đơn vị đã chủ động, tự giác trong công việc gắn với tinh thần trách nhiệm của các cá nhân trong mỗi công việc được giao./.

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 Tiếp

Số lượt truy cập:7,733,564 lượt

Số người online:1,767 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn