Tinh thần tự lực, tự cường của Phòng 2 trong công tác THQCT và KSĐT, KSXX các vụ án có tổ chức, băng nhóm trong lĩnh vực trật tự xã hội

Bài tham luận của Phòng 2

Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của phong trào thi đua yêu nước mà đội ngũ Kiểm sát viên Phòng 2 đã và đang thực hiện. Qua đó, giúp Kiểm sát viên tiếp tục rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ lý luận để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. “Phát huy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh hạnh phúc” là một nội dung rất quan trọng trong tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh – Vị lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam; “Ý chí tự lực, tự cường” trong tư tưởng của Bác mang nội hàm sâu rộng và ý nghĩa vô cùng to lớn. Với kiến thức hữu hạn, Phòng 2 chúng tôi không tham vọng nhiều mà chỉ nói đến “Tinh thần tự lực, tự cường của Phòng 2 trong công tác THQCT và KSĐT, KSXX các vụ án có tổ chức, băng nhóm trong lĩnh vực trật tự xã hội”.

Chuyên đề toàn khóa đã đưa ra một số giải pháp trong đó có giải pháp đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc bằng hành động thực tiễn cụ thể, thiết thực, gắn với phong trào thi đua yêu nước. Do đó, Phòng 2 chọn tham luận nội dung “Tinh thần tự lực, tự cường của Phòng 2 trong công tác THQCT và KSĐT, KSXX các vụ án có tổ chức, băng nhóm trong lĩnh vực trật tự xã hội”,nhằm phân tích sâu hơn, rõ hơn, cụ thể hơn về sự vận dụng tư tưởng của Người vào công việc thực tiễn.  

Tinh thần tự lực, tự cường trong lĩnh vực hình sự nói chung, trong lĩnh vực THQCT và KSĐT, KSXX các vụ án có tổ chức, băng nhóm trong lĩnh vực trật tự xã hội nói riêng phải được thấm đẫm trong nhận thức, cụ thể trong hành động. Theo đó, từng đồng chí lãnh đạo đơn vị đến mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, thường xuyên đổi mới phương pháp lãnh đạo, phương pháp làm việc cho thích ứng với tình hình thực tế của đơn vị, nhằm mang lại hiệu quả trong giải quyết công việc một cách tốt nhất.
Trong những năm qua, số lượng các vụ án có tổ chức, băng nhóm mà Phòng 2 thụ lý rất nhiều, chưa kể đến tính chất phức tạp, mức độ đặc biệt nghiêm trọng của nó, tuy nhiên lực lượng KSV của Phòng 2 không nhiều. Hiện nay, Phòng có 07 biên chế, trong đó, có 02 lãnh đạo phòng, nhưng 01 đồng chí thường xuyên ốm đau bệnh tật, 02 KSVTC, và 03 KSVSC. Với số người ít như vậy, đã gây khó khăn không nhỏ trong việc phân công nhiệm vụ nhất là khám nghiệm hiện trường, tử thi, kiểm sát điều tra, hỏi cung, lấy lời khai… kèm theo đó diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của đơn vị. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo, linh hoạt của lãnh đạo phòng và sự cố gắng, nỗ lực của các đồng chí cán bộ, KSV đã không nề hà, luôn khắc phục khó khăn để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Đó cũng chính là tinh thần tự lực, tự cường của lãnh đạo và mỗi Kiểm sát viên trong công tác THQCT và KSĐT, KSXX các vụ án hình sự theo tư tưởng của Bác. Từ một đơn vị có 10 người, rồi 9 người, rồi 8 người và hiện nay là 7 người. Trong khi đó, khối lượng công việc ngày càng tăng. Nếu không phát huy tinh thần tự lực, tự cường thì liệu Phòng 2 có hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021?
Từ tháng 01/2021 đến tháng 3/2022, Phòng 2 thụ lý kiểm sát điều tra 109 vụ/ 304 bị can; đã truy tố 52 vụ/ 157 bị can; xét xử sơ thẩm 41 vụ/ 106 bị cáo. Trong đó, riêng về án có tính chất băng nhóm là 04 vụ/ 87 bị can, về các tội “Giết người” và “Gây rối trật tự công cộng”.

Một số vụ án điển hình: 
- Vụ Lê Minh Hòa cùng đồng phạm xảy ra vào đêm ngày 15/5/2020, tại ngã tư Trần Quý Cáp – Phan Bội Châu, thành phố Quy Nhơn, gây hậu quả 01 người chết, với 29 bị can.
- Vụ Lê Văn Linh cùng đồng phạm xảy ra đêm ngày 17/6/2021, tại P. Nhơn Thành, TX. An Nhơn, gây hậu quả 03 người bị trọng thương, với 24 bị can.
Đây là những vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, gây hoang mang dư luận; vụ án có nhiều đối tượng tham gia, các đối tượng rất manh động và đều trang bị hung khí (súng, đao, kiếm…); khi vụ án xảy ra, Lãnh đạo đã kịp thời phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm phối hợp với lực lượng Công an để tiếp cận ngay hiện trường, kiểm sát khám nghiệm hiện trường, tử thi không kể thời điểm đêm khuya. Số lượng đối tượng rất đông, việc lấy lời khai rất khó khăn vì lực lượng Kiểm sát viên mỏng; nhưng các Kiểm sát viên đều cố gắng, thực hiện nhiệm vụ với tinh thần trách nhiệm cao.
Những con số về số vụ, số bị can không đơn thuần là số toán học khô khan, như môn khoa học tự nhiên, mà trong đó nó chứa đựng rất nhiều vấn đề phức tạp, nhiều vấn đề to lớn, đó là: Làm thế nào để đảm bảo “quyền con người, quyền công dân”? – đây là quyền Hiến định. Phải làm sao để khi trình Lãnh đạo phê chuẩn không oan sai, không bỏ lọt? Mọi quyết định trong lĩnh vực này đều liên quan đến sinh mệnh, sinh mệnh chính trị của con người. Và một “chiếc búa” treo lơ lửng trên đầu là “Luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước”… Chỉ cần làm oan một người thì bao nhiêu công sức không chỉ của Phòng 2 mà là của toàn ngành Kiểm sát Bình Định trở thành “Dã tràng xe cát”!
Trở lại câu chuyện “Tự lực, tự cường”, đó là việc thực thi chủ trương của ngành KSND Việt Nam, đó là “Nâng cao trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”. Nói một các dễ hiểu, đó là tăng cường sự hiện diện của KSV trong hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra.
Với 07 con người, thực tiễn chỉ có 06. Trong đó, 03 KSVTC, 03 KSVSC, nếu không “gồng” lên thì không thể “gắn” với điều tra được. 24h, 03 ngày, 09 ngày; thời hạn tố tụng rất ngắn. Trong lúc nghi can đông, lời khai tiền hậu bất nhất, chứng cứ mơ hồ, v.v… Vậy mà yêu cầu phải phân loại, phải xử lý; bắt hay không bắt, khởi tố hay không khởi tố; đủ căn cứ hay không đủ căn cứ… chỉ giới hạn trong thời hạn luật định. Vậy ngoài 06 con người này thì ai có thể nữa đây? Không! Không ai cả! Do đó, không có sự lựa chọn nào khác là tự mỗi người, từ lãnh đạo đơn vị đến mỗi KSV phải “gồng” lên, không bận tâm đến khái niệm thời gian: 08 tiếng, sớm, khuya, thứ bảy, chủ nhật!
Kết quả phê chuẩn khởi tố, truy tố, xét xử có căn cứ, đúng pháp luật vụ án hình sự đó là kết quả của “tự lực”, đó là kết quả của “tự cường” mà trong những năm qua ngành KSND Bình Định nói chung và Phòng 2 nói riêng đã làm được.
Tinh thần tự lực, tự cường của Phòng 2 đã được Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ và Viện trưởng VKSNDTC ghi nhận. Đó là những Bằng khen của Viện trưởng VKSNDTC về Tập thể lao động xuất sắc (liên tục trong nhiều năm liền); đó là Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; đó là Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam. 
Từ thực tiễn công tác tại đơn vị, chúng tôi xin được chia sẻ, trao đổi với các đồng chí, đồng nghiệp tại Hội nghị một số kinh nghiệm và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác THQCT và KSĐT, KSXX các các vụ án hình sự có tổ chức, băng nhóm trong lĩnh vực trật tự xã hội: 
* Về kinh nghiệm:
- Thứ nhất, cần tranh thủ ý kiến chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp và các ban ngành đoàn thể và chính quyền cơ sở... chính là nhân tố quan trọng đem lại sự thành công cho việc đấu tranh loại tội phạm này.
- Thứ hai, Kiểm sát viên trực tiếp THQCT và KSĐT, KSXXS các vụ án hình sự có tổ chức, băng nhóm phải là người có chuyên môn sâu, dày dạn kinh nghiệm, có phương pháp làm việc khoa học và đặc biệt phải có tính kiên quyết trong việc đấu tranh với loại tội phạm này.
- Thứ ba, về công tác phối hợp:
Viện kiểm sát cần phối hợp chặt chẽ với Cơ quan điều tra, tiếp cận trực tiếp hồ sơ ngay từ đầu, có thể trực tiếp lấy lời khai sau đó tổng hợp báo cáo trình lãnh đạo. Nếu vướng mắc về quan điểm, khẩn trương nghiên cứu trong ngày, đề xuất biện pháp tháo gỡ, xin ý kiến chỉ đạo, Lãnh đạo Viện tỉnh đã có chỉ đạo yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ khi có sự việc xảy ra cần thông báo nhanh bằng điện thoại, sau đó bằng văn bản, hàng tháng đều có phụ lục riêng kèm theo báo cáo.
+ Lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện tỉnh đã chủ động phối hợp với Lãnh đạo ngành Công an, Tòa án chỉ đạo áp dụng các biện pháp ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm khắc đối với loại tội phạm này. Khẩn trương thu thập tài liệu, phối hợp với Cơ quan giám định, trưng cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khoẻ ngay cả khi bị hại còn đang điều trị tại bệnh viện; tiến hành trưng cầu giám định các loại hung khí, vũ khí để làm căn cứ xử lý ngay khi xảy ra sự việc.
Khi có vụ án xảy ra trên địa bàn huyện, nếu nghi ngờ có dấu hiệu Giết người thì Viện KSND cấp huyện chủ động, kịp thời báo cáo bằng văn bản hoặc điện thoại để trao đổi với Phòng nghiệp vụ, để xác định đúng tội danh, đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Một số vụ án có dấu hiệu Giết người, nhưng Cơ quan điều tra cấp huyện khởi tố về tội Cố ý gây thương tích và điều tra trong một thời gian dài (có vụ đã gia hạn thời hạn điều tra lần thứ hai), sau đó chuyển tội danh và chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh; gây khó khăn cho cấp tỉnh khi tiến hành điều tra, kiểm sát vụ án với thời hạn điều tra ngắn nhưng nhiều đối tượng, như vụ Nguyễn Văn Chiến cùng đồng phạm. Một số vụ án có đủ căn cứ để xác định các đối tượng có dấu hiệu đồng phạm về tội Cố ý gây thương tích nhưng Cơ quan điều tra kể từ khi thụ lý vụ án đến khi chuyển vụ án cho Cơ quan điều tra cấp tỉnh (04 tháng) đã không khẩn trương, kịp thời điều tra, xác minh, xử lý, làm cho việc giải quyết vụ án bị kéo dài, ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án, như vụ Lê Văn Linh cùng đồng phạm. 

* Về giải pháp:
Một là, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành để từng cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức đúng đắn, đầy đủ về công tác chống oan, sai trong tố tụng hình sự. Phải xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành nhằm tăng cường vai trò vị thế của ngành Kiểm sát trong công tác thực thi pháp luật, đảm bảo Pháp chế thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
- Hai là, tăng cường công tác đào tạo cán bộ, chú trọng đến đào tạo tại chỗ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ, Kiểm sát viên. Đồng thời thường xuyên rà soát, đánh giá thực chất năng lực trình độ, sở trường công tác của từng cán bộ để có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng và bố trí sắp xếp, phát huy sở trường, năng lực của mỗi người để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn.
Ba là, tiếp tục tổ chức các cuộc thi, tập huấn, thông báo rút kinh nghiệm để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thao tác nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, chuyên viên; hướng dẫn giải đáp những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc bất cập, nhất là những giải pháp chống oan, sai trong công tác THQCT và KSĐT, KSXX.
Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp với các cơ quan, ban ngành đối với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật, phát hiệu thiếu sót, nguyên nhân xảy ra vi phạm, tội phạm để kiến nghị khắc phục, sửa chữa. 
Năm là, thường xuyên tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ nói chung và công tác THQCT và KSĐT, KSXX nói riêng của các đơn vị cấp huyện và các Phòng nghiệp vụ, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục vi phạm thiếu sót, hạn chế tối đa những sai sót và không để xảy ra tình trạng Viện kiểm sát truy tố, Tòa án tuyên không phạm tội.
Ngoài ra, Phòng 2 kiến nghị Lãnh đạo Viện tiếp tục quan tâm hơn nữa về công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; trang bị đủ phương tiện, trang thiết bị phục vụ việc THQCT và KSĐT các vụ án mà đối tượng phạm tội sử dụng công nghệ cao để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới.
Nhìn chung, việc nâng cao tinh thần tự lực, tự cường trong công tác THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án có tổ chức, băng nhóm trong lĩnh vực trật tự xã hội nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; bảo đảm việc truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ án có sai sót, kiên quyết không để xảy ra tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Việc phát huy ý chí tự lực, tự cường vốn là nét đẹp trong truyền thống văn hóa Việt Nam đã được lãnh tụ Hồ Chí Minh phát triển lên một tầm cao mới để tiến tới sánh vai với “5 châu 4 biển”. Tự lực, tự cường không chỉ có ở kinh tế, xã hội, quốc phòng, ngoại giao.. mà nó đang tồn tại ở mọi ngành, mọi cấp, trong đó có VKS, có Phòng 2 - Viện KSND tỉnh Bình Định./.

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 Tiếp

Số lượt truy cập:9,119,824 lượt

Số người online:2,431 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn
Chung nhan Tin Nhiem Mang