Nguyễn Sinh Sắc và Bác Hồ với Tây Sơn, Bình Định

Nhân kỷ niệm 129 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5/2019, Chi bộ Viện KSND huyện Tây Sơn tổ chức buổi sinh hoạt “Về nguồn” với nội dung sinh hoạt chuyên đề: “Dấu ấn của Cha và Con trên đất Tây Sơn, Bình Định” tại Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc (di tích Huyện đường Bình Khê) thuộc thôn Thượng Giang 2, xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Đây là một hoạt động đầy ý nghĩa, nhằm ôn lại, tìm hiểu và phát huy các giá trị lịch sử văn hóa, là dịp để Chi bộ Viện KSND huyện Tây Sơn tri ân và khắc ghi lại dấu ấn quan trọng cuộc gặp gỡ và chia tay giữa vị quan Tri huyện thanh liêm yêu nước, thương dân Nguyễn Sinh Sắc với người con trai Nguyễn Tất Thành tại huyện đường Bình Khê trước khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân và sau này trở thành vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Chi bộ Viện KSND huyện Tây Sơn tại khuôn viên Khu tưởng niệm Nguyễn Sinh Sắc

 

Ngược dòng lịch sử, năm 1909, sau sự kiện người thanh niên yêu nước - Nguyễn Tất Thành tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Thừa Thiên Huế, cụ Nguyễn Sinh Sắc bị tòa khâm sứ khiển trách vì “Hạnh kiểm hai người con học trường Quốc Học (Nguyễn Tất Thành và Nguyễn Tất Đạt) nói trước mặt thầy giáo những lời bài Pháp”, triều đình Huế điều cụ đến huyện Bình Khê (tỉnh Bình Định) làm Tri huyện, thực chất là muốn tách cụ khỏi trung tâm chính trị tại kinh đô Huế. Từ ngày 01 tháng 07 năm 1909, cụ Nguyễn Sinh Sắc được bổ nhiệm làm Tri huyện Bình Khê. Thời gian chỉ 200 ngày (từ tháng 7/1909 đến tháng 01/1910) nhưng ông đã để lại trong lòng người dân nơi đây hình ảnh một vị quan thanh liêm, đức độ, chính trực, yêu nước, thương dân. Ông luôn đứng về phía nhân dân, bênh vực người nghèo, tìm cách giúp đỡ những người yêu nước. Ông tha cho người dân thiếu nợ địa chủ, trừng trị bọn cường hào ác bá, lưu manh trộm cắp. Vì những việc làm này mà Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc bị bọn địa chủ căm ghét và triều đình nghi ngờ. Sau đó, ông bị giáng liền bốn cấp vì bị một tên địa chủ kiện trong một vụ tranh chấp và bị triều đình triệu hồi về Huế, Hội đồng nhiếp chính khép vào tội “lạm quyền” và thải hồi. Ngày 23/9/1910, ông được phục chức nhưng quyết không nhận mà bí mật vào Nam làm nghề bốc thuốc và hoạt động yêu nước.

 

Trong thời gian làm quan Tri huyện Bình Khê, con trai của ông - người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đến thăm cha và ở lại mảnh đất này. Chính tại nơi đây, bao suy tư, trăn trở trước tình thế nước nhà, khát khao tìm con đường cứ dân, cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã được người cha - Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc chia sẻ, khích lệ, động viên và tiếp thêm nghị lực. Lịch sử ghi nhận rằng, khi thấy con trai đến Bình Khê, cụ Nguyễn Sinh Sắc đã hỏi con: - “Con đến đây làm gì?” - “Con đến đây tìm cha”. Nghe vậy, cụ Sắc trìu mến nói với con: - “Nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì?”. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến tất cả sự tàn khốc, thối nát của chế độ phong kiến, thực dân, điều đó càng thôi thúc Người phải mạnh mẽ, nhanh chóng đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

 

Đất Tây Sơn địa linh nhân kiệt với bao chiến tích oai hùng. Huyện đường Bình Khê nằm bên bờ sông Côn, con sông gắn liền với bao chứng tích lịch sử của mảnh đất này. Mùa hạ, con sông êm ả xanh biếc nhưng mùa nước lên lại hừng hực như những binh đoàn Quang Trung, luôn để lại ngấn nước cho đôi bờ. Hình ảnh ấy mãi mãi in đậm trong ký ức người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Nơi cha con Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc sống những ngày sum họp trước khi diễn ra cảnh chia tay lịch sử, để rồi Nguyễn Tất Thành bước vào cuộc hành trình gian nan ra đi tìm đường cứu nước, cứu dân. Dù lưu lại chỉ trong thời gian ngắn, nhưng chắc chắn mảnh đất, con người nơi đây đã để lại những dấu ấn không nhỏ trong ký ức của Người. Cho mãi những năm sau này, vùng đất và con người Bình Khê - Tây Sơn vẫn được Bác giành một vị trí quan trọng. Năm 1955, khi tiếp các đại biểu Bình Định tại Thủ đô Hà Nội, Bác Hồ còn hỏi: “Nước sông Côn bây giờ lên còn để lại ngấn nước nữa không”? Đây là vinh dự mà nhân dân Tây Sơn, Bình Định rất đỗi tự hào.

 

Bên bến sông Tây Giang, Đồng Phó đã chứng kiến giây phút chia tay của tình phụ tử, giữa cha và con người thanh niên Nguyễn Tất Thành đầy nhiệt huyết tinh thần dân tộc để trở thành nhân vật huyền thoại, đi vào lịch sử văn hóa Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Dấu tích xưa đã phai nhòa nhưng những giá trị mà Cha và Con còn để lại sống mãi với thời gian. Trên mảnh đất này, thông qua những sự kiện lịch sử đã khắc họa nên những giá trị đạo đức chuẩn mực, sâu sắc mà mỗi công dân nói chung và người cán bộ kiểm sát nói riêng tiếp thu và kế thừa.

 

Với ngành Kiểm sát nhân dân, Bác Hồ căn dặn cán bộ kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Câu nói đó là “kim chỉ nam”, là đích mà mỗi cán bộ kiểm sát phải tu dưỡng, rèn luyện phấn đấu. Đó cũng chính là lương tâm, trách nhiệm, là lẽ công bằng; đồng thời, là đức khiêm tốn, giản dị.

 

Qua hoạt động “Về nguồn”, mỗi cán bộ, đảng viên Viện KSND huyện Tây Sơn đều thấm nhuần những giá trị quý báu trên và ý thức được nhiệm vụ của mình để hoàn thành 10 chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy cho ngành Kiểm sát nhân dân. Một là, tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về giá trị to lớn của tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Hai là, luôn nỗ lực học tập, học hỏi không ngừng, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; năng động, nhiệt huyết với công việc. Cốt lõi là cần vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật và có bản lĩnh nghề nghiệp. Cuối cùng, người cán bộ kiểm sát muốn trưởng thành trước tiên phải có đạo đức nghề nghiệp, một chí tâm thật trong sáng, có khát khao cống hiến cho công bằng, lẽ phải, phải luôn phấn đấu tự hoàn thiện mình về mọi mặt như lời dạy của Bác năm nào.

 

 

Phan Văn Tài

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,757,865 lượt

Số người online:3,925 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn