Ths. Trần Văn Sang
TUV - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định
Trên cơ sở Hiến pháp năm 1959, ngày 15/7/1960, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thông qua Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND). Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện KSND, đánh dấu sự ra đời của ngành KSND Việt Nam. Trải qua chặng đường lịch sử 60 năm, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Nhà nước, các tổ chức ở Trung ương và địa phương, sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, ngành KSND đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành; thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo các quyền dân chủ của Nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước; thực hiện những mục tiêu mà sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đã đặt ra.
Đ/c Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, trao Huân Chương lao động Hạng nhì cho Viện KSND tỉnh Bình Định.
Trải qua các lần sửa đổi, bổ sung của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, theo đó Luật Tổ chức Viện KSND năm 1981, 1992, 2002 và 2014 được ban hành đã từng bước hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp và làm rõ hơn vị trí pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Viện KSND, đã xác định: “Viện KSND là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Viện KSND có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 30/10/1975, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định ban hành Quyết định số 176/QĐ-TC thành lập Viện KSND tỉnh Bình Định. Sau đó, Ngày 23/4/1976, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã thay mặt Chính phủ ký Nghị định số 09/BTP-NĐ thành lập Viện KSND tỉnh Nghĩa Bình. Đến ngày 30/6/1989, tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết chia tách tỉnh Nghĩa Bình thành 02 tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi. Viện KSND tỉnh Bình Định được tái thành lập theo Quyết định số 84/QĐ-TC ngày 04/7/1989 của Viện trưởng Viện KSND tối cao với số lượng cán bộ ban đầu gồm 09 đồng chí, hình thành nên các tổ công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ còn hạn chế. Trải qua 45 năm phát triển, đến nay toàn Ngành đã có 10 đơn vị trực thuộc và 11 Viện KSND cấp huyện với 193/199 cán bộ, Kiểm sát viên (trong đó có 01 KSV cao cấp, 52 KSV trung cấp, 94 KSV sơ cấp và 09 Kiểm tra viên...). Về trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ: Cao cấp lý luận chính trị có 30 đồng chí, Trung cấp lý luận chính trị có 58 đồng chí; 100% cán bộ, Kiểm sát viên làm công tác nghiệp vụ có trình độ Cử nhân luật trở lên; có 48 đồng chí đã tốt nghiệp Thạc sĩ Luật (14 đồng chí đang theo học), chiếm 32% tổng số cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành; có 03 đồng chí đã học lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp,33 đồng chí đã học lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên chính, 48 đồng chí đã học lớp quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên. Đa số cán bộ, Kiểm sát viên của Ngành đều trải qua hoạt động thực tiễn công tác kiểm sát nên có bản lĩnh chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, năng lực công tác tốt, đáp ứng được yêu cầu công tác của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Về cơ sở vật chất, những ngày đầu mới thành lập, trụ sở làm việc còn thiếu, có đơn vị còn phải mượn nhà dân để làm việc tạm thời, đến nay cơ sở vật chất của Ngành đã được quan tâm đầu tư, nhiều trụ sở làm việc được xây dựng mới khang trang, với đầy đủ tiện nghi và phương tiện kỹ thuật để phục vụ hoạt động nghiệp vụ. Đặc biệt, Viện KSND tỉnh Bình Định là một trong những đơn vị dẫn đầu trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin của Ngành và của Tỉnh, đã xây dựng hệ thống Văn phòng điện tử, Trang thông tin điện tử, hệ thống truyền hình trực tuyến từ Viện KSND tối cao đến Viện KSND cấp huyện, phục vụ có hiệu quả cho hoạt động nghiệp vụ và công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành thống nhất trong toàn Ngành.
Đồng chí Lê Minh Trí - UVBCHTW Đảng, Viện trưởng Viện KSND tối cao trao cờ thi đua dẫn đầu khối cho các tập thể cấp phòng, cấp huyện thuộc Viện KSND tỉnh Bình Định.
Sau khi chia tách từ tỉnh Nghĩa Bình một thời gian, Viện KSND tỉnh Bình Định được xây dựng tại địa chỉ số 04 đường Trần Cao Vân, Phường Lê Lợi, Thành phố Quy Nhơn. Xét về địa bàn, Bình Định là tỉnh thuộc vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích rộng, giáp với tỉnh Quảng Ngãi, Phú Yên, Gia Lai, và Biển Đông. Mật độ dân cư tập trung đông đúc (nhất là tại thành phố Quy Nhơn), với sự phát triển không ngừng về kinh tế và đời sống văn hóa xã hội của tỉnh nhà trong thời kỳ phát triển và hội nhập quốc tế, tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội cũng ngày càng trở nên phức tạp hơn. Trung bình hàng năm, ngành KSND tỉnh Bình Định phải thụ lý giải quyết hàng trăm vụ án hình sự và trên dưới hàng nghìn vụ việc dân sự, hành chính, kinh tế, lao động, thương mại.
Trải qua 45 năm hình thành và phát triển, được sự quan tâm của Cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương, được sự đồng tình và ủng hộ của Nhân dân, kế thừa và phát huy những thành quả, kinh nghiệm hoạt động, sự phấn đấu nỗ lực của toàn thể cán bộ, công chức, Kiểm sát viên, ngành KSND tỉnh Bình Định đã không ngừng phấn đấu, từng bước trưởng thành, khắc phục khó khăn, vượt qua mọi thách thức của tình hình kinh tế - xã hội nói chung để hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn được ngành KSND giao phó cũng như hoàn thành nhiệm vụ chính trị tại địa phương, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Trong công tác chuyên môn, với chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân trên địa bàn tỉnh. Ngành KSND tỉnh Bình Định có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, tự do, danh dự và nhân phẩm của công dân, bảo đảm mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều phải xử lý theo pháp luật. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hình sự được chú trọng, quá trình giải quyết các vụ án đúng trình tự, thủ tục quy định, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, không xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội.
Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trên tổng số thụ lý đạt từ 92% và năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ giải quyết án của Viện kiểm sát đạttừ 99% trở lên; số bị can Viện kiểm sát truy tố đúng tội danh đạt 100%; số vụ Viện kiểm sát tham gia hỏi cung bị can đạt trên 75%; số vụ Viện kiểm sát trực tiếp hỏi cung bị can trên 85%; không để xảy ra bị can đình chỉ điều tra do không phạm tội. Tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng ngày càng giảm(Bình quân 2.2%, thấp hơn 2.8% so chỉ tiêu Quốc hội đề ra < 5%); chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hình sự đạt trên 90%, vượt 5% đến 10%; số phiên tòa được tổ chức bằng hình thức truyền hình trực tuyến ngày càng tăng.
Không để xảy ra trường hợp vi phạm thời hạn tạm giữ, tạm giam có trách nhiệm của Viện kiểm sát; kiểm sát việc ra quyết định về thi hành án trong thời hạn luật định đạt 100%; số bị án cơ quan thi hành án đã bắt đi thi hành đạt 100%; số kháng nghị, kiến nghị vi phạm trong hoạt động tạm giữ, tạm giam và THAHS đạt chỉ tiêu đề ra.
Chất lượng kháng nghị phúc thẩm án dân sự trên 90%; kháng nghị Viện kiểm sát bảo vệ được Tòa án xét xử chấp nhận đạt 100%; số phiên tòa, phiên họp Viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự đạt 100%.
Công tác kiểm sát thi hành án dân sự có nhiều tiến bộ, góp phần nâng cao số việc và số tài sản được thi hành án; công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được quan tâm đúng mức đã góp phần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.
Ngoài ra, để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ngành, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Định đã lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị lựa chọn những vấn đề còn hạn chế, tồn tại để tập trung xây dựng kế hoạch, đưa ra các biện pháp giải quyết và đã mang lại hiệu quả thiết thực. Điển hình như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và theo dõi giải quyết án; tăng cường công tác kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và nâng cao kỹ năng viết cáo trạng, luận tội, bài phát biểu của kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự, dân sự...; phối hợp với các cơ quan nội chính tăng cường phòng chống tội phạm trong lứa tuổi thanh- thiếu niên và tham gia giải quyết các vụ tranh chấp đất đai; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; khắc phục án hình sự, dân sự, hành chính bị hủy để giải quyết lại có liên quan đến trách nhiệm của Kiểm sát viên,... Tổ chức các Hội thảo chuyên đề về “Tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên, thực trạng và giải pháp” , “Hạn chế án hình sự bị hủy để điều tra, xét xử lại; án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng có liên quan đến trách nhiệm của Viện KSND” và “Nâng cao chất lượng kiểm sát giải quyết án dân sự, hành chính trong lĩnh vực đất đai”,... Thường xuyên tổ chức nhiều cuộc thi về nghiệp vụ như “Chúng tôi là Kiểm sát viên”, “Kỹ năng soạn thảo cáo trạng, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa dân sự, hành chính sơ thẩm”, Ngoài ra còn,tổ chức các “Phiên tòa giả định có tính chất nâng cao” bằng hình thức truyền hình trực tuyến,tổ chức tập huấn nghiệp vụ; phối hợp với Tòa án tổ chức các phiên tòa hình sự, dân sự rút kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng vàkỹ năng kiểm sát việc xét xử của Kiểm sát viên tại phiên tòa để rút kinh nghiệm chung trong toàn Ngành.
Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện luôn coi công tác cán bộ là “khâu then chốt”, chú trọng đổi mới tổ chức bộ máy và quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên vững về lập trường chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trên tất cả các khâu, lĩnh vực công tác. Người đứng đầu cơ quan, đơn vị có trách nhiệm lãnh đạo giữ gìn sự đoàn kết, trước hết là trong tập thể lãnh đạo, từ đó lan tỏa ra toàn cơ quan, đơn vị mình. Đây là giải pháp nền tảng cho các giải pháp khác trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng Ngành, xây dựng cơ quan, đơn vị. Lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải thực sự “công bằng, trách nhiệm, gương mẫu”; cấp dưới phải “trung thực, tận tụy, trách nhiệm” trong công việc. Làm tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo các cấp, bảo đảm nguồn cán bộ kế cận chất lượng, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trẻ có triển vọng phát triển.
Bên cạnh công tác chuyên môn, ngành KSND tỉnh Bình Định còn tích cực tham gia các hoạt động phong trào do Ngành và địa phương phát động như: tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lũ, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam Anh hùng,tham gia xây dựng nông thôn mới, kết nghĩa với làng đồng bào dân tộc thiểu số, ký kết giao ước phối hợp với Trường Đại học Quy Nhơn về việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và học thuật về pháp luật cho sinh viên. Trong đó nổi bật toàn Ngành đã tham gia xây dựng được 15 ngôi nhà tình nghĩa, giúp đỡ 02 xã về đích trong xây dựng nông thôn mới, kết nghĩa với 01 làng đồng bào dân tộc thiểu số (làng Canh Tân, huyện Vân Canh); phối hợp với Công đoàn Viện KSND tối cao thăm và hỗ trợ cho người dân 02 xã bị thiệt hại do thiên tai với tổng số tiền 200 triệu đồng; kêu gọi cán bộ, công chức và người lao động của Ngành ủng hộ gia đình một số đồng chí cán bộ trong Ngành gặp khó khăn trong cuộc sống, với số tiền tổng cộnghàng trăm triệu đồng, thể hiện nghĩa tình đối với đồng chí, đồng nghiệp.
Đ/c Trần Văn Sang - Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định, cùng Lãnh đạo công ty TNHH MTV cao su Kon Tum chụp hình lưu niệm tại buổi trao tặng Nhà tình nghĩa cho hộ gia đình khó khăn.
Từ những thành tích nổi bật nêu trên, ngành KSND tỉnh Bình Định đã được tặng thưởng các danh hiệu cao quý, hàng năm đều được công nhận là “Tập thể lao động xuất sắc”, “Cờ thi đua Ngành KSND” và “Cờ thi đua của UBND tỉnh”, năm 2017 được tặng “Cờ thi đua của Chính phủ”, năm 2018 được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Nhì”. Đồng thời, hàng năm nhiều tập thể trong ngành KSND tỉnh Bình Định được Viện KSND tối cao tặng Bằng khen, đạt danh hiệu tập thể lao động xuất sắc và nhiều cá nhân được tặng thưởng Huân chương lao động, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Viện KSND tối cao; nhiều đồng chí được công nhận đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở, Chiến sỹ thi đua Ngành.
Đảng bộ Viện KSND tỉnh được Tỉnh ủy Bình Định tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác cải cách tư pháp, Bằng khen “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu 5 năm liền 2011 - 2015”; từ năm 2016 đến nay, tiếp tục được Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh tặng Giấy khen “Đảng bộ trong sạch, vững mạnh tiêu biểu” các năm 2016, năm 2017, Giấy khen “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2018”.
Công đoàn cơ sở Viện KSND tỉnh nhiều năm liền được công nhận là Công đoàn cơ sở vững mạnh xuất sắc được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên đoàn Lao động tỉnh tặng nhiều Bằng khen. Chi đoàn thanh niên được Đoàn Khối các cơ quan tỉnh tặng nhiều Giấy khen và công nhận Chi đoàn 3 trách nhiệm nhiều năm liền; Chi hội Luật gia được Hội Luật gia Việt Nam tặng Bằng khen.
Không bằng lòng với những kết quả, thành tích đã đạt được trong hơn 45 năm qua, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định vẫn đang tiếp tục phấn đấu, nỗ lực không ngừng trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát đều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự cũng như kiểm sát các hoạt động tư pháp. Với trách nhiệm ngày càng nặng nề hơn; đòi hỏi mỗi cán bộ, Kiểm sát viên của ngành KSND tỉnh Bình Định phải có cái tâm trong trí sáng, có lập trường tư tưởng vững vàng, có bản lĩnh chính trính trị, tinh thần trách nhiệm cao; giữ gìn kỷ cương; không ngừng học tập nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, quốc phòng và an ninh, tin học, ngoại ngữ; luôn phải học tập, rèn luyện, thấm nhuần sâu sắc lời Bác Hồ dạy đối với cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”,xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên ngày càng trong sạch, vững về chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bảo vệ trật tự an toàn xã hội tại địa phương, nâng cao ý thức pháp luật công dân, bảo vệ pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ, tự do, tài sản, tính mạng, sức khỏe của Nhân dân, góp phần xây dựng đất nước, quê hương Bình Định ngày càng phồn vinh và giàu, đẹp./.