Viện KSND huyện Tây Sơn kiến nghị phòng ngừa vi phạm trong công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã

Trong đời sống hàng ngày, những mâu thuẫn, tranh chấp nảy sinh nếu không được giải quyết kịp thời có thể dẫn đến hậu quả phức tạp, nhất là khi nhận thức, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Do đó, công tác hòa giải ở cơ sở luôn được cấp ủy, chính quyền huyện Tây Sơn, quan tâm, nhằm giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, đảm bảo an ninh trật tự. Tuy nhiên, một số UBND cấp xã, từng lúc, từng nơi chưa thực hiện tốt công tác này dẫn đến tranh chấp kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.

Qua công tác kiểm sát 61 vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất do Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định thụ lý, giải quyết trong 3 năm (từ năm 2019 đến năm 2021) Viện KSND huyện Tây Sơn nhận thấy các tranh chấp về dân sự, nhất là tranh chấp đất đai ngày càng gia tăng và phức tạp. Nguyên nhân là: Đất đai ngày càng trở thành tài sản có giá trị cao; việc quản lý đất đai còn nhiều thiếu sót, sơ hở; việc lấn chiếm đất đai diễn ra ngày càng phổ biến nhưng không được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều địa phương chưa thực hiện tốt, có Cán bộ còn né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Cá biệt đã có vụ từ tranh chấp dân sự vì không được giải quyết kịp thời đã dẫn đến vụ án hình sự, như vụ Nguyễn Văn Xướng và đồng bọn phạm tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra ở xã Bình Thuận hay vụ Nguyễn Minh Dương phạm tội “Hủy hoại tài sản” xảy ra ở xã Tây Xuân…
Tuy nhiên, một số Ủy ban nhân dân cấp xã trong huyện chưa thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật về hòa giải tranh chấp đất đai, vi phạm Điều 202 Luật đất đai năm 2013, Điều 88 của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về công tác hòa giải, như: Chưa thẩm tra, xác minh, tìm hiểu kỹ nguyên nhân phát sinh tranh chấp, chưa thu thập đầy đủ giấy tờ, tài liệu có liên quan về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất để xác định chính xác nguyên nhân tranh chấp và đặc biệt là mong mỏi của các bên. Nội dung cuộc hòa giải không đảm bảo, không có ý kiến của các thành viên Hội đồng hòa giải mà chỉ ghi nhận ý kiến của các bên đương sự và sau đó kết luận là không hòa giải được (có buổi hòa giải chỉ tiến hành trong một giờ); biên bản không có đầy đủ chữ ký của các thành viên tham gia hòa giải. Vi phạm thời hạn giải quyết, có trường hợp kéo dài trong nhiều năm dẫn đến việc khiếu nại vượt cấp. Thành phần tham gia hòa giải không đúng quy định như: Không có sự tham gia của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Không có mặt của tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn. Không có đại diện của một số hộ dân cư sinh sống lâu đời tại khu vực có đất tranh chấp biết rõ về nguồn gốc, quá trình sử dụng đất đối với thửa đất đó… Việc thực hiện hòa giải không đúng quy định dẫn đến việc người dân khiếu kiện kéo dài, dai dẳng, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, làm giảm uy tín của chính quyền, của hệ thống chính trị tại địa phương.
Để nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước, góp phần giảm thiểu những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tranh chấp trong nhân dân nói chung và trong lĩnh vực đất đai nói riêng, Viện KSND huyện Tây Sơn đã ban hành kiến nghị đề nghị đồng chí Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn chỉ đạo thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác hòa giải tranh chấp đất đai ở cấp xã như sau:
Thứ nhất, Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng và vai trò của Mặt trận TQVN và các tổ chức thành viên đối với công tác hòa giải.
Thứ hai, Tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước để không ngừng nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hòa giải.
Thứ ba, Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, của thôn làng khối phố, của các hộ dân sống lâu năm trên địa bàn trong hòa giải tranh chấp đất đai. UBND cấp xã nên xây dựng và hình thành cơ chế phối hợp có hiệu quả với các tổ chức này để phát huy sức mạnh tổng hợp, nâng cao chất lượng hòa giải tranh chấp đất đai.
Thứ tư, Củng cố, kiện toàn nâng cao chất lượng Hội đồng hòa giải và hòa giải viên thông qua việc rà soát số lượng, chất lượng đội ngũ hòa giải viên; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện; bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải, biện pháp hướng dẫn, thuyết phục cũng như các cách thức, phương pháp khác của hoạt động hòa giải. 

Thứ năm, Kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện quy chế dân chủ ở cơ sở; cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; phong trào xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuẩn tiếp cận pháp luật ở cơ sở. Thực hiện tốt giải pháp này là cơ sở quan trọng để góp phần đảm bảo tình hình an ninh trật tự ở địa phương, hạn chế các vụ việc tiêu cực và các xích mích trong cộng đồng dân cư./.

 

                    Mai Thị Thìn 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,780,387 lượt

Số người online:1,131 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn