Sử dụng tư duy đa chiều để định hướng thông tin trong bối cảnh phương tiện truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ

Tác giả: Võ Thị Hoàng Ly - Kiểm sát viên sơ cấp, Phòng 7, Viện KSND tỉnh Bình Định.

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 ở bất kỳ nơi đâu việc tìm kiếm thông tin về một vấn đề rất thuận lợi, khi chúng ta đưa một dãy từ khóa vào mục tìm kiếm của một phương tiện truyền thông xã hội bất kỳ sẽ có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn nguồn thông tin được đưa ra chỉ trong vài giây. Việc chọn lọc thông tin như thế nào cho đúng đắn, cho phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với quan điểm chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay buộc chúng ta phải đánh giá thông tin đó một cách toàn diện qua nhiều góc nhìn.


Quan điểm định hướng thông tin trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước ta

 

Phương tiện truyền thông xã hội (social media) là các ứng dụng hoặc chương trình được xây dựng dựa trên nền tảng internet, trong đó cho phép người sử dụng có thể tìm kiếm, đăng tải hoặc chia sẻ các thông tin về mọi mặt trong đời sống xã hội thông qua các thiết bị công nghệ và mạng máy tính, có thể kể đến một số phương tiện truyền thông nổi bật tại Việt Nam hiện nay như facebook, zalo, youtube, viber…

 

Đến nay đã 13 năm kể từ ngày mạng internet Việt Nam được chính thức nhấn nút hòa vào mạng internet toàn cầu (ngày 01/12/1997), Việt Nam liên tục có những chính sách đáp ứng một cách tốt nhất quyền tự do tìm kiếm, trao đổi thông tin của người dân trên phương tiện truyền thông xã hội. Người dân có thể tự do truy cập vào rất nhiều website, báo điện tử trên toàn thế giới để tiếp cận những tri thức mới, bày tỏ quan điểm, suy nghĩ của bản thân lên các phương tiện truyền thông xã hội thông qua việc viết bài, đăng ảnh, đăng video clip… Tuy nhiên, song song với những lợi ích mà phương tiện truyền thông xã hội đem lại là việc du nhập vào những sản phẩm xấu, độc hại làm nhiễu loạn thông tin. Trên các phương tiện truyền thông xã hội đặc biệt là mạng xã hội Facebook và Youtube xuất hiện tràn lan các bài viết, các video clip có thông tin sai lệch, thậm chí là cả thông tin chống phá, xuyên tạc về Đảng và nhà nước của một số người có động cơ không chính đáng và một số người có trình độ hiểu biết hạn chế, gây hoang mang cho người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

 

Vấn đề đáng nói ở đây là một số không nhỏ người có trình độ hiểu biết hạn chế hay đăng tải, chia sẻ, bình luận hùa theo những thông tin sai lệch, xuyên tạc trên các phương tiện truyền thông xã hội lại là những cán bộ, Đảng viên. Những cán bộ, Đảng viên này là những thành phần đã và đang có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” do nhận thức một chiều, sai lệch thông tin các thế lực phản động, thù địch đưa ra, mặc dù các thông tin này đều là thông tin bịa đặt, bóp méo, vu khống, phủ nhận các thành tựu nước ta đạt được nhất là về các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trên nhiều lĩnh vực. Điển hình trong thời gian gần đây là việc ban hành Luật An ninh mạng, các điều luật trong văn bản pháp luật này đều được quy định với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng, phù hợp với các giá trị văn minh pháp lý và các cam kết quốc tế của Việt Nam; chỉ có các hành vi chống phá đất nước, vi phạm pháp luật, xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân mới bị đấu tranh, xử lý nhưng các thế lực thù địch đã đưa ra những luận điệu hoàn toàn bịa đặt, xuyên tạc núp bóng dưới chiêu bài “tự do ngôn luận” như “ảnh hưởng đến quyền cơ bản của con người”, “cản trở dân chủ được thực hiện”, “đàn áp nhân dân”… để gây tâm lý nghi ngờ trong nhân dân đối với các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước.

 

Nhận diện được phương tiện truyền thông xã hội là “vùng đất màu mỡ” để các thế lực thù địch lợi dụng nhằm phá hoại nền tảng tư tưởng chính trị mà các thế hệ cha anh dày công xây dựng, Đảng và Nhà nước đã xác định công tác định hướng thông tin có vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ sự ổn định chính trị, xã hội Việt Nam. Quan điểm của Đảng được thể hiện rõ qua Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII), Chỉ thị số 46-CT/TW về “Chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội”… trong đó Đảng xác định việc chấn chỉnh hoạt động thông tin, tuyên truyền trên internet, các mạng xã hội, blog cá nhân là một nhiệm vụ quan trọng; phát huy vai trò, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan báo chí trong công tác đấu tranh phòng, chống suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; chủ động định hướng, cung cấp thông tin; chú trọng việc tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những thành quả trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, những nhân tố tích cực, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt... Cùng với đó việc thể chế hóa đường lối chủ trương, chính sách của Đảng thành các chính sách pháp luật của nhà nước cũng được nghiêm túc thực hiện, trong đó phải kể đến sự ra đời của một số văn bản pháp luật như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí năm 2016,... đã tạo nên hành lang pháp lý vững chắc để giải quyết vấn đề, đây được xem là hành động xác định thái độ kiên quyết của Đảng và Nhà nước khi đấu tranh với tình trạng nhiễu loạn thông tin trên mạng xã hội như hiện nay.

 

Việc sử dụng tư duy đa chiều để định hướng thông tin của cán bộ, Đảng viên

 

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam (tập 4 Nhà xuất bản Từ điển bách khoa tại Hà Nội năm 2005), tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt – bộ não con người, tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán và lý luận... còn đa chiều có nghĩa là nhiều chiều. Như vậy nói một cách đơn giản thì tư duy đa chiều là cách suy nghĩ một vấn đề dưới nhiều góc độ, nhiều chiều hướng khác nhau để thấy được mọi tác động của nó trên thực tế, khi tư duy đa chiều buộc chúng ta phải có góc nhìn đa chiều. Ví dụ: Ký tự “8” khi nhìn ở một chiều bình thường chúng ta sẽ thấy nó chỉ là con số tám nhưng khi chúng ta nhìn nó ở góc nhìn ngang thì nó lại là ký hiệu vô cực hoàn toàn khác về mặt ý nghĩa. Tất nhiên ở đây cần phân biệt không phải như thế nghĩa là cào bằng, một vấn đề lúc nào cũng không còn đúng hay sai, tốt hay xấu mà có nghĩa là qua tư duy đa chiều vừa hiểu vấn đề cặn kẽ và sáng tỏ hơn vừa qua đó tìm ra cách nhìn nhận hợp lý nhất cho mọi sự việc thay vì chỉ nhìn một khía cạnh thì việc sai lầm tất yếu sẽ xảy ra, hay nói cách khác khi tư duy đa chiều chúng ta sẽ dễ dàng đến gần với chân lý nhất.

 

Tư duy đa chiều là tư duy mở yêu cầu chúng ta phải đón nhận những gì mới những gì khác với lối mòn suy nghĩ đã hình thành từ lâu trong chính của mỗi người, khi đó chúng ta sẽ nhận thấy ở cùng một vấn đề xuất hiện những điểm đúng và những điểm không đúng. Tư duy đa chiều giúp chúng ta có sự phân luồng hợp lý, minh bạch để có thể nhìn nhận khách quan nhất về một vấn đề. Ví như khi một vụ án hình sự xảy ra, chúng ta cần đánh giá hành vi của bị cáo thông qua cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội để đi đến một kết luận chung nhất đó là định tội danh đối với bị cáo. Ngoài việc nhìn một vấn đề từ nhiều hướng còn phải linh hoạt mà chọn hướng nhìn đúng nhất nhằm đánh giá con người hay sự kiện trên đúng khía cạnh phù hợp của nó.

 

Việc tư duy đa chiều cũng gần giống như quan điểm toàn diện của Chủ nghĩa Mác Lê nin bởi theo quan điểm toàn diện, muốn có được nhận thức đúng đắn về sự vật, hiện tượng, một mặt chúng ta phải xem xét nó trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, các yếu tố, các thuộc tính khác nhau của chính sự vật, hiện tượng đó, mặt khác chúng ta phải có cái nhìn bao quát và xem xét nó trong các mối liên hệ trực tiếp và gián tiếp với các sự vật, hiện tượng khác. Chúng ta cần phải nghiên cứu tất cả các mối liên hệ, cần thiết phải xem xét tất cả mọi mặt, không tuyệt đối hóa những tri thức đã có về sự vật, hiện tượng, xem đó là những chân lí bất biến, tuyệt đối không thể bổ sung, không thể phát triển mới có thể tránh khỏi những sai lầm và sự cứng nhắc.

 

Hiện nay, cơn bão thông tin đang ngày càng gay gắt kèm theo hàng loạt cơn mưa tin giả, tin sai sự thật, tin phiến diện hàng ngày hàng giờ len lỏi ngấm sâu làm thay đổi nhận thức về chính trị của người dân cũng như một số cán bộ, đảng viên. Vì thế hơn lúc nào hết, trong bối cảnh phương tiện truyền thông xã hội đang phát triển mạnh mẽ đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần tự chủ động định hướng thông tin, phát huy tốt vai trò tiền phong, gương mẫu, bản lĩnh vững vàng bằng nhiều cách, trong đó có thể kể đến cách thức sử dụng tư duy đa chiều trong việc định hướng thông tin. Theo đó, khi tiếp xúc với nhiều luồng thông tin trái chiều trên phương tiện truyền thông xã hội, cán bộ, đảng viên cần có sự tỉnh táo phân tích các thông tin qua nhiều góc nhìn; tránh việc đánh giá thông tin theo bề nổi mà không tìm hiểu cặn kẽ bản chất vấn đề do thông tin đó mang lại; tránh đơn thuần tiếp nhận thông tin một chiều mà không có phản biện, không có trao đổi, không có suy nghĩ khác đi vì nếu chỉ thụ động tiếp nhận thông tin thì việc nói ra và viết ra của bản thân của cán bộ, đảng viên sẽ chỉ theo một “lối mòn” đã bị áp đặt trước, rất dễ bị lung lay về nhận thức tư tưởng chính trị, dễ bị dư luận xấu dẫn dắt đi xa rời Đảng, xa rời lý tưởng cách mạng và rơi vào hố sâu “tự chuyển biến”, “tự chuyển hóa”.

 

Tuy nhiên để có thể tìm hiểu cặn kẽ được chân lý của vấn đề, để có thể đưa ra ý kiến của bản thân, để chứng minh cái mình nói ra và cái mình viết ra là đúng thì yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự loại bỏ được “nhận thức non kém”, “tăng bề dày tư duy” trong chính bản thân bằng cách tự ý thức nâng cao trình độ chính trị, trình độ chuyên môn, nâng cao kỹ năng nghiên cứu tìm kiếm thông tin, nâng cao kỹ năng phản biện. Khi tiếp nhận một luồng thông tin mới, các cán bộ, đảng viên cần phải đặt ra các câu hỏi, tìm kiếm nhiều kiến thức liên quan đến luồng thông tin đó sau đó tự bản thân mỗi người sẽ đánh giá, sàng lọc thông tin bằng cách tự lập luận phản biện xem thông tin mình tiếp nhận đúng sai đến mức độ nào và đưa ra quan điểm cá nhân phù hợp nhất, đúng nhất về vấn đề mà thông tin đó đưa ra. Bên cạnh việc thường xuyên sàng lọc, đánh giá những luồng thông tin mới tiếp nhận, các cán bộ, đảng viên cũng cần sàng lọc, đánh giá, kiểm chứng lại chính những quan điểm, thông tin mà bản thân đã đưa ra trước đây qua nhiều góc nhìn khác nhau để rèn luyện tư duy phản biện và đến gần hơn với chân lý của vấn đề, bởi lẽ tri thức của con người phát triển theo khuynh hướng phát triển của sự vật, sự việc từ thấp đến cao một cách vô cùng tận theo hình xoắn ốc nên qua thời gian phát triển tri thức cái đúng cũng có thể trở thành cái sai và ngược lại.

 

Việc sử dụng tư duy đa chiều trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin sẽ giúp cho cán bộ, đảng viên hạn chế được sự phiến diện, siêu hình, máy móc, một chiều trong nhận thức cũng như trong việc giải quyết các tình huống thực tiễn, từ đó các ý kiến đưa ra đều dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, thẳng thắn phản biện loại bỏ được những ý kiến xấu, độc hại đang tràn lan hiện nay.

 

Tóm lại, nếu làm tốt việc định hướng thông tin thì khi tham gia vào các phương tiện truyền thông xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ là nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền quan điểm đúng đắn của Đảng và nhà nước đến người dân góp phần lành mạnh hóa mạng xã hội, để mạng xã hội phát huy được hiệu quả trong đời sống, góp phần ổn định trật tự xã hội, tạo động lực cho sự phát triển, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ sống còn của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng là bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái thù địch như Nghị quyết số 35-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Bộ Chính trị về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” đã đề ra./. 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 Tiếp

Số lượt truy cập:7,766,791 lượt

Số người online:2,799 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn