Tác giả: Lê Thanh Bình - Viện KSND huyện Phù Mỹ
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng Viện kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định trong sạch, vững mạnh toàn diện, Kiểm sát viên đã tìm ra giải pháp thực hiện, đó là thực hiện giải pháp “năm xây, năm chống”, góp phần xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Khi được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân, Kiểm sát viên đã tuyên thệ:
- Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân;
- Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật;
- Kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội;
- Không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”;
- Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.
Để thực hiện đúng lời tuyên thệ thì Kiểm sát viên không được làm:
- Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.
- Tư vấn cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.
- Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.
- Đưa hồ sơ, tài liệu của vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.
- Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.
Với chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, đây là nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất nhạy cảm và đầy rẫy sự cám dỗ, nếu không có bản lĩnh, không liêm chính, không tự tu dưỡng rèn luyện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, ra sức học tập và theo theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thì dễ mắc phải sai lầm, dễ bị sa ngã về tư tưởng… làm ảnh hưởng đến uy tín của bản thân nói riêng và của ngành Kiểm sát nói chung.
Để Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ luôn: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, góp phần xây dựng Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định nói riêng và ngành Kiểm sát nhân dân nói chung được trong sạch, vững mạnh toàn diện, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Phù Mỹ đã tìm ra giải pháp thực hiện, đó là giải pháp “năm xây, năm chống”:
“Năm xây” là Kiểm sát viên phải xây dựng cho bản thân có được năm đức tính: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” để vận dụng trong khi thi hành công vụ.
Theo đó, Kiểm sát viên phải xây dựng cho bản thân có được năm đức tính đó, đồng nghĩa Kiểm sát viên đã thực hiện tốt lời dạy của Bác đối với cán bộ kiểm sát phải:“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”:
- Công minh là công bằng và sáng suốt khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.
- Chính trực là ngay thẳng, vô tư, cương trực, có ý chí, đã nói thì phải làm, làm rồi thì không bao giờ hối tiếc. Muốn có phẩm chất chính trực đòi hỏi trong công việc Kiểm sát viên phải có bản lĩnh, ngay thẳng, chân thành, làm đúng lẽ phải, không thiên vị, không mờ ám, luôn coi trọng công việc, nhận nhiệm vụ thì quyết tâm thực hiện cho bằng được.
Đức tính Công minh và Chính trực là hai đức tính Bác đặt lên hàng đầu, thường gắn liền với nhau thể hiện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng và đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ Kiểm sát, trong thực hành quyền công tố và kiểm sát họat động tư pháp, Kiểm sát viên phải luôn nắm vững các căn cứ pháp luật và các chính sách của Đảng, Nhà nước để vận dụng pháp luật kết hợp với vận dụng chính sách trong từng trường hợp cụ thể. Mọi hành vi pháp lý của Kiểm sát viên phải xuất phát từ qui định của pháp luật, trong khuôn khổ pháp luật, bảo đảm việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan, sai, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội; đồng thời, phải chống chủ nghĩa cá nhân, không thiên vị nể nang đối với những người thân thích, quen biết; không vì lợi ích cá nhân mà né tránh, không dám thẳng thắn đấu tranh bảo vệ công lý, cũng không vì thù oán cá nhân mà xử lý sai đối với người mà mình không có thiện cảm hoặc người dám đấu tranh, phê bình những biểu hiện sai trái của mình. Kiểm sát viên công minh, chính trực phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, có thái độ quyết đoán khi giải quyết công việc, không chần chừ, do dự, hữu khuynh, né tránh, dám chịu trách nhiệm về các quyết định của mình. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát họat động tư pháp, Kiểm sát viên phải có bản lĩnh và chỉ tuân theo pháp luật. Để đảm bảo sự công minh, chính trực, đòi hỏi Kiểm sát viên phải có tác phong và phương pháp làm việc khách quan, thận trọng và khiêm tốn.
- Khách quan là cái tồn tại bên ngoài, không phụ thuộc vào ý thức, ý muốn của con người, đối lập với chủ quan của Kiểm sát viên, biểu hiện ở chỗ khi giải quyết công việc phải luôn xuất phát từ thực tế, không suy diễn, không xuyên tạc, bóp méo sự thật, không nhận định đánh giá sự việc một cách chủ quan, phiến diện một chiều; phải đi sâu tìm hiểu phân tích, đánh giá một cách toàn diện, làm rõ bản chất của sự việc, dựa vào những cơ sở khoa học, cơ sở thực tế để đưa ra quyết định giải quyết sự việc một cách phù hợp, chính xác. Tính khách quan là phương pháp tư duy biện chứng của chủ nghĩa Mác, biết đi sâu phân tích cụ thể từng vấn đề cụ thể, đi sâu vào bản chất mới có đủ cơ sở chứng minh, để kết luận vấn đề một cách khách quan, toàn diện, chính xác.
- Thận trọng là hết sức cẩn thận, luôn có sự đắn đo, suy tính kĩ lưỡng trong hành động để tránh sai sót, khi xem xét một sự việc, Kiểm sát viên phải nhìn toàn diện, không tùy tiện, không vội vàng, hời hợt, giản đơn nhưng phải suy tính cân nhắc thật cẩn thận, kỹ lưỡng để tránh sai sót khi đưa ra quyết định và phải phân tích theo quan điểm lịch sử cụ thể, quan điểm thực tiễn và toàn diện. Tính thận trọng cũng chính là biểu hiện của tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật của Kiểm sát viên. Khi thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên phải đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá mọi tình tiết, điều kiện, hoàn cảnh của sự việc, thực tế xảy ra, đối chiếu với qui định của pháp luật, từ đó xác định đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, giúp cho việc giải quyết sự việc đúng pháp luật, nghiêm minh và kịp thời. Tính thận trọng đòi hỏi Kiểm sát viên phải kiên quyết chống lại căn bệnh qua loa, đại khái, xem xét sự việc một cách hời hợt, tắc trách. Tuy nhiên, thận trọng nhưng không được chần chừ, do dự, không chủ quan, nóng vội dẫn đến giải quyết sự việc một cách thiếu chính xác.
- Khiêm tốn là có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự đề cao, không kiêu căng, tự đắc, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ Kiểm sát viên luôn thể hiện đúng mức, không tự cao, tự đại, quan liêu, cửa quyền, hống hách. Sự khiêm tốn của Kiểm sát viên có nghĩa là luôn có ý thức và thái độ đúng mức trong việc nhìn nhận, đánh giá bản thân, không tự thỏa mãn những gì mình đã đạt được, luôn phấn đấu, học tập để tiếp tục vươn lên; không tự đánh giá mình quá cao và tỏ ra coi thường người khác và ngược lại, khiêm tốn nhưng không rụt rè, nhút nhát, tự ti, là Kiểm sát viên phải khiêm tốn mới được Nhân dân gần gũi, tin tưởng, đồng thời cần phối hợp tốt với các ngành, đặc biêt là các cơ quan tư pháp để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
Mỗi khi Kiểm sát viên xây dựng cho mình có được năm đức tính của người cán bộ Kiểm sát mà Bác Hồ dạy thì Kiểm sát viên sẽ hình thành được đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp. Xây dựng được năm đức tính “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, tức là đã thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ và Kiểm sát viên đã thực hiện đúng lời tuyên tuyện, sẽ rèn luyện được phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong, phương pháp làm việc khoa học, đúng đắn, phát huy được năng lực chuyên môn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Năm chống là Kiểm sát viên luôn chống tư tưởng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ, trì trệ” trong khi thi hành công vụ.
Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện thì phải luôn chống lại tư tưởng dựa dẫm, tự cao, tự đại, hóng hách, tự mãn làm ảnh hưởng đến thành tích chung của cơ quan, do đó Kiểm sát viên cần phải chống và loại bỏ các tư tưởng, đó là:
- Tư tưởng hậu duệ là tư tưởng ỷ lại con cháu của người tiền bối, Kiểm sát viên không nên nghĩ rằng mình là con cháu của ông này, bà nọ có chức vụ, quyền hạn trong xã hội, có sức ảnh hưởng lớn nên lợi dụng sự ảnh hưởng đó để làm trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Kiểm sát.
- Tư tưởng quan hệ là tư tưởng dùng trạng thái tác động lẫn nhau, ảnh hưởng lẫn nhau để thể hiện mình. Kiểm sát viên nghĩ rằng mình có quan hệ thân thiết với người có chức vụ, quyền hạn, với lãnh đạo cấp trên nên lợi dụng vào đó để làm trái pháp luật.
- Tư tưởng tiền tệ là tư tưởng xem đồng tiền là trên hết, dùng đồng tiền để tác động vào mọi mối quan hệ xã hội nhằm mục đích tư lợi, vì đồng tiền mà làm trái pháp luật, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành Kiểm sát.Trong đân gian có câu: “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”, nên trong thực tế cuộc sống đã phát sinh đưa hối lộ trước để mua chuộc Kiểm sát viên làm trái pháp luật, nhằm đem lại quyền lợi cho họ. Trong khi thi hành công vụ, nếu Kiểm sát viên không có bản lĩnh, không liêm chính thì sẽ chi phối tư tưởng tiền tệ, sẽ bị cảm dỗ, mua chuộc, sẽ biến có thành không, không thành có dẫn đến làm trái pháp luật, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan của Ngành.
- Tư tưởng trí tuệlà tư tưởng nghĩ mình có khả năng nhận thức, có lí trí đạt đến một trình độ uyên bác, có học hàm, học vị cao hơn người khác, nên có tư tưởng xem thường người có trình độ học vấn thấp hơn mình. Từ đó, dẫn đến phát sinh tư tưởng xem thường lãnh đạo, xem thường đồng nghiệp, gây bất bình, mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến mức độ hoàn thành nhiệm vụ chung của tập thể cơ quan.
- Tư tưởng trì trệ là tư tưởng bình quân chủ nghĩa, sao cũng xong,sáng vác ô đi chiều vác ô về, không cần thành tích, dĩ hòa vi quý: “Mi không đụng đến ta thì ta không đụng đến mi”, “được không mừng, mất không tiếc”, làm cản trở phong trào thi đua của đơn vị, dẫn đến đơn vị đạt thành tích không cao.
Do đó, khi Kiểm sát viên đã hình thành một trong năm tư tưởng “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ, trí tuệ, trì trệ” ấy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thành tích chung của đơn vị, là rào cản trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và phong trào thi đua xây dựng đơn vị, nên Kiểm sát viên Viện KSND huyện Phù Mỹ kiên quyết chống lại các tư tưởng tiêu cực ấy.
Kết quả đạt được
Trong thời gian qua, Kiểm sát viên Viện KSND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã thực hiện nhiều phong trào nhân đạo như: Tiếp sức cho em đến trường, Xuân yêu thương 2022, thăm gia đình Mẹ Việt Nam anh hùng; đóng góp xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách và hộ nghèo, ủng hộ nhân đạo cho nhân dân Syria, Thổ Nhĩ Kỳ do động đất, hiến máu nhân đạo thường kỳ; tham gia các hội thi do Viện KSND tỉnh Bình Định tổ chức đạt giải nhất, giải ba. Năm 2022, Viện KSND huyện Phù Mỹ được Viện KSND tỉnh Bình Định công nhận đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; Công đoàn cơ sở Viện kiểm sát được công nhận Công đoàn trong sạch vững mạnh năm 2022; Chi bộ được công nhận Chi bộ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2022; Viện KSND huyện Phù Mỹ được Viện KSND tối cao tặng Bằng khen về thành tích xây dựng nông thôn mới và nhiều cá nhân được tặng giấy khen, bằng khen, công nhận danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm và được xét nâng lương trước thời hạn. Về nghiệp vụ không có xảy ra án oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội….
Qua đó cho thấy, nhờ Kiểm sát viên Viện KSND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định đã tìm cho mình một giải pháp để thực hiện, đó là thực hiện theo giải pháp “năm xây, năm chống” như đã phân tích phần trên, nên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ, không xảy ra án oan, sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, truy tố đúng người, đúng tội đúng pháp luật, góp phần xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh toàn diện, Viện KSND huyện Phù Mỹ trở thành địa chỉ đáng tin cậy của Nhân dân./.