Tác giả: Mai Thị Thu Hà - Phòng 9, Viện KSND tỉnh Bình Định.
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về sự tiến bộ, bình đẳng của phụ nữ
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến phụ nữ, đến bình đẳng giới, giải phóng và phát triển phụ nữ. Người đã đưa ra những quan điểm sâu sắc về công cuộc giải phóng phụ nữ. Người không chỉ đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ mà còn rất coi trọng sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ về cơ bản cũng bao gồm các nội dung về quyền bình đẳng của phụ nữ theo Công ước quốc tế về quyền con người. Người cho rằng giải phóng phụ nữ là một cuộc cách mạng gắn liền với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng Chủ nghĩa xã hội. Giải phóng phụ nữ trong tư tưởng Hồ Chí Minh là phải giành cho được các quyền của phụ nữ, như quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội,... Giải phóng phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp giải phóng của cách mạng.
Người chỉ rõ giải phóng con người, vì con người là mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô sản, mà ở đó phụ nữ là điểm trung tâm. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng dành tặng 8 chữ vàng “Anh hùng – Bất khuất – Trung hậu – Đảm đang” để ca ngợi truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, bản thân mỗi người phụ nữ tiếp tục đóng vai trò, vị trí hết sức quan trọng trong xã hội. Tuy nhiên, ở một số nơi vẫn còn tình trạng bất bình đẳng giới khiến cho người phụ nữ chưa thể phát huy hết vai trò của mình. Vì vậy, việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh vào giải phóng phụ nữ ở nước ta trong xã hội ngày nay là một vấn đề cần được quan tâm và quán triệt sâu sắc.
Tập thể phụ nữ Ngành KSND tỉnh Bình Định chụp hình lưu niệm tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành.
Quá trình hoạt động của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ của Ngành KSND tỉnh Bình Định
Đáp ứng nhu cầu của tình hình mới, Căn cứ Chỉ thị số 646/TTg ngày 17/11/1994 của Thủ tướng Chính phủ về Tổ chức, hoạt động Vì sự tiến bộ phụ nữ ở các Bộ, Ngành và địa phương; căn cứ tình hình thực tế về công tác cán bộ nữ của cơ quan, ngày 06/4/1999 Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Quyết định số 51/QĐ-VKSTC thành lập Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ cơ quan Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ đã tham mưu cho lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao xây dựng kế hoạch hành động Vì sự tiến bộ phụ nữ đến 2010 và tầm nhìn 2020 và đã triển khai đến Viện KSND các tỉnh, thành phố trong phạm vi cả nước.
Trong 10 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo thành lập Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ. Nhờ sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể, công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND Bình Định đã có nhiều cố gắng, đạt được nhiều kết quả khả quan, đáng ghi nhận, đã tạo sự lan tỏa trong Ngành; góp phần tích cực vào việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, đấu tranh phòng, chống vi phạm và tội phạm, bảo vệ công lý, chế độ và quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, góp phần vào công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước. Chất lượng đời sống tinh thần vật chất cho cán bộ nữ được nâng lên, tạo điều kiện thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của nữ cán bộ, công chức trong hoạt động quản lý, điều hành và công tác chuyên môn. Chú trọng việc xây dựng hình ảnh người cán bộ kiểm sát trong lòng nhân dân, trong đó khẳng định bản lĩnh của nữ kiểm sát viên, những “bóng hồng” của Ngành KSND Bình Định.
Nhằm đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, ngày 20/01/2016, Viện trưởng Viện KSND tỉnh Bình Định đã ban hành Quyết định số 78/QĐ-VKS-TCCB về việc kiện toàn Ban vì sự tiến bộ phụ nữ ngành KSND tỉnh Bình Định với 05 đồng chí. Trong đó 01 đồng chí Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh làm Trưởng Ban. Đồng chí Trưởng Ban nữ công được phân công làm Phó Ban và 03 đồng chí ủy viên. Ở từng Viện KSND huyện, thị xã, thành phố đã phân công 01 đồng chí Lãnh đạo Viện làm công tác bình đẳng giới ở đơn vị mình trực tiếp lãnh đạo và tổ chức hoạt động công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Trải qua quá trình hoạt động và phát triển, đến nay, đội ngũ cán bộ nữ của ngành Kiểm sát Bình Định chiếm một tỷ lệ tương đối lớn (chiếm tỷ lệ 41,1%), từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Toàn ngành hiện nay có 79 cán bộ nữ, trong đó: Trình độ thạc sỹ: 21, chiếm tỷ lệ 26,5%, Trình độ đại học: 57, chiếm tỷ lệ 72,1% (trong đó, ĐH Luật: 47, ĐH khác: 10); Trình độ cao đẳng: 01 chiếm tỷ lệ 1,4%; Trình độ trung cấp: 17 chiếm tỷ lệ 21,5%; Cao cấp lý luận chính trị: 05, chiếm tỷ lệ: 6,3%; Trung cấp lý luận chính trị: 02, chiếm tỷ lệ 2,2%. Đặc biệt, công tác đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nữ cũng được quan tâm thường xuyên, hiện nay toàn Ngành có 12 nữ Kiểm sát viên trung cấp, chiếm tỷ lệ 24% trên tổng số KSVTC; có 37 nữ Kiểm sát viên sơ cấp, chiếm tỷ lệ 40,6% trên tổng số KSVSC; có 10 lãnh đạo nữ, chiếm tỷ lệ 18,1% trên tổng số cán bộ lãnh đạo quản lý toàn Ngành.
Trong những năm qua, Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định luôn chú trọng đến công tác tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Chị em phụ nữ Viện KSND Bình Định tổ chức gặp mặt nhân ngày 20/10.
Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã phối kết hợp với Ban nữ công Viện KSND tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trong các buổi sinh hoạt nữ công, trong sinh hoạt cơ quan, đoàn thể và tại các buổi giao lưu, gặp mặt. Nội dung tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt: Quán triệt các văn bản có liên quan đến giới, bình đẳng giới, các quy định của Bộ luật Lao động phần những quy định riêng đối với lao động nữ, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Trong năm 2020, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tiếp tục quán triệt Chỉ thị số 06/CT-VKSTC ngày 04/04/2016 về tăng cường sự lãnh đạo trong công tác vì sự tiến bộ phụ nữ của Viện KSND; Kế hoạch hành động bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020 của Công đoàn viên chức tỉnh Bình Định. Ngoài ra, tùy từng điều kiện cụ thể, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Viện KSND tỉnh Bình Định đã tổ chức kiểm tra công tác vì sự tiến bộ phụ nữ ở Viện KSND một số huyện. Qua kiểm tra, hầu hết các đồng chí nữ đều ghi nhận sự quan tâm của Lãnh đạo đơn vị nhất là trong công tác quy hoạch, đề bạt; đào tạo, bồi dưỡng cũng như bô trí vị trí công tác. Điều này đã tạo động lực cho chị em phấn đấu, hăng say làm việc mang lại nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Nhìn chung Lãnh đạo Viện KSND 2 cấp rất quan tâm về việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới. Cụ thể như tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ nữ vào các chức danh cán bộ lãnh đạo quản lý giai đoạn 2016- 2021 và giai đoạn 2021-2026... Hàng năm, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh Bình Định thường xuyên bổ sung quy hoạch đối với cán bộ đủ tiêu chuẩn, điều kiện, đặc biệt là đối với cán bộ nữ. Đây là sự ghi nhận đối với những cố gắng mà chị em đạt được trong thời gian qua. Từ đó góp phần thúc đẩy thi đua trong đội ngũ cán bộ công chức nữ trong Ngành.
Trước yêu cầu tình hình mới, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ, Kiểm sát viên trong Ngành đã và đang đặt ra nhiều thách thức. Do đó, Ban nữ công thường xuyên nhắc nhở, động viên chị em, nhất là chị em trẻ, mới vào Ngành luôn cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc nghiên cứu, đề xuất giải quyết án; luôn nâng cao tinh thần tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tự học hỏi, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. Ngoài ra, Ban nữ công Viện KSND tỉnh cũng đã vận động cán bộ nữ thường xuyên viết tin, bài cung cấp cho Trang thông tin điện tử của Ngành các nội dung tuyên truyền về Ngành, về người phụ nữ trong thời đại mới, về người phụ nữ tiêu biểu của Ngành tạo động lực thúc đẩy chị em phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Công tác vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới của Viện KSND cấp tỉnh
Trải qua từng giai đoạn phát triển đến nay, Viện KSND tỉnh Bình Định có 35 nữ cán bộ công chức, trong đó: Trưởng phòng 03 chị; Phó Trưởng phòng 03 chị; các chị đều có bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, có ý chí vươn lên chiếm lĩnh đỉnh cao tri thức, hiện đã có 9 chị có trình độ Thạc sĩ Luật; 04 chị đã hoàn thành Cao cấp chính trị; 01 chị tham gia cấp ủy. Các chị em có tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, có ý thức học tập nâng cao trình độ, góp phần tích cực vào việc thực hiện hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Ngành.
Ban Cán sự Đảng cũng có sự quan tâm đến các chị em có năng lực, các chị em trẻ đã đưa vào diện quy hoạch giai đoạn 2016-2021 và giai đoạn 2021-2026, hiện đang hoàn tất các thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt. Ban vì sự tiến bộ phụ nữ đã tích cực tham mưu cho Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh thực hiện tốt chế độ, chính sách đối với cán bộ nữ, tạo cơ hội cho cán bộ nữ phát triển như đề xuất chọn cử và tạo điều kiện cho cán bộ nữ đi học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; hỗ trợ kinh phí cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ, trong đó có kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ trong quy hoạch để đáp ứng yêu cầu công tác trước mắt và lâu dài; tham gia ý kiến về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm, khen thưởng đối với cán bộ nữ. Hàng năm, tổ chức các buổi giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa cán bộ nữ Viện KSND tỉnh với cán bộ nữ Viện KSND các tỉnh bạn và Viện KSND cấp huyện...Từng bước xây dựng đội ngũ công chức, người lao động nữ có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, của Ngành và các mục tiêu vì sự tiến bộ phụ nữ, bình đẳng giới.
Ban Nữ công & Chi đoàn Viện KSND tỉnh Bình Định thăm Mẹ VNAH Nguyễn Thị Văn.
Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ nữ cũng được Đảng ủy, Lãnh đạo Viện và Công đoàn Viện KSND tỉnh Bình Định quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các ngày kỷ niệm dành riêng cho phụ nữ, Ban nữ công luôn chủ động cụ thể hóa nội dung và đổi mới phương thức hoạt động thu hút đông đảo chị em tham gia trong đó có các hoạt động nổi bật: thăm và chăm sóc mẹ Việt Nam anh hùng do cơ quan phụng dưỡng tại Mỹ Hiệp- Phù Mỹ; giao lưu với phụ nữ Viện KSND huyện Vân Canh kết hợp tham gia lễ kết nghĩa với làng Canh Tân, huyện Vân Canh; tổ chức tham quan và học tập kinh nghiệm tại Viện KSND các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum; tham gia Giải kéo co nam, nữ do Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức (Đạt giải ba); tham gia giải bóng chuyền nam, nữ (đạt giải nhì); tham gia Hội thao Ngành môn cầu lông đươn nữ (đạt huy chương Bạc); thi chạy việt dã nữ (đạt giải Nhì). Ngoài ra, các chị cũng rất quan tâm đến việc theo dõi, viết bài đăng tin trên trang thông tin điện tử của Ngành để cán bộ trong ngành kịp thời nắm bắt thông tin các hoạt động, góp phần làm cho trang thông tin điện tử thêm phong phú.
Những kết quả đáng tự hào
Được sự quan tâm của Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo Viện KSND tỉnh và Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Viện KSND tỉnh, nhiều năm qua chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng được nâng cao, đảm bảo các tiêu chuẩn, đáp ứng nhu cầu công tác của Ngành KSND và công tác cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đội ngũ cán bộ kiểm sát nữ đã không ngừng nổ lực, phấn đấu, khắc phục khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần vào thành tích chung của đơn vị: Huân chương lao động hạng hạng Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cờ thi đua của ngành Kiểm sát nhân dân... Đặc biệt trong năm 2020, Ngành KSND tỉnh Bình Định vinh dự có một chị được vinh danh tại Hội nghị cán bộ nữ Ngành KSND tổ chức tại Viện KSND tối cao và 01 chị được vinh danh tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến lần thứ 3 giai đoạn 2015-2020 và tổng kết 10 năm thực hiện công tác vận động nữ và phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong CBCCVCLĐ giai đoạn 2010-2020 của Công đoàn viên chức tỉnh Bình Định. Đã có 01 chị được bầu vào BCH cấp ủy địa phương (Quy Nhơn); 01 chị là Đại biểu HĐND huyện (Vĩnh Thạnh). Nhiều chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua Ngành, Kiểm sát viên tiêu biểu… Trong công tác chuyên môn, các chị thực hiện tốt vai trò Kiểm sát viên thực hành quyền công tố luôn bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; luôn bảo đảm việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, việc thi hành án, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp được thực hiện đúng quy định của pháp luật. Những cố gắng đó thật đáng trân trọng, các chị đã và đang đóng góp sức mình vào sự lớn mạnh của Ngành KSND Bình Định thân yêu.
Đội Viện tỉnh (đội thi toàn nữ) đoạt giải nhì chung cuộc.
Ngoài ra, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ Viện KSND tỉnh đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể như Công đoàn, Ban nữ công, Đoàn thanh niên đẩy mạnh công tác tuyên truyền và vận động công chức, người lao động nữ tích cực tham gia và hưởng ứng các phong trào thi đua “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh, xây dựng môi trường cơ quan xanh, sạch, đẹp; thi đua thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, quan liêu; thực hiện nghiêm túc chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, an toàn giao thông, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội. Phối hợp với Thủ trưởng cơ quan, Ban chấp hành công đoàn Viện KSND tỉnh, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về thời gian để nữ cán bộ công chức tham gia các hoạt động do Viện KSND cấp trên, cơ quan đoàn thể phát động như phong trào thực hiện cuộc vận động “Học tập, làm theo tấm gương đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh”; cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên “ Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; tham dự các cuộc thi “Về kỹ năng nghiệp vụ”; tham gia chương trình “Chúng tôi là Kiểm sát viên”...Qua các hoạt động các nữ cán bộ công chức không chỉ thể hiện được bản lĩnh chính trị, bản lĩnh nghề nghiệp mà còn thể hiện tinh thần tiên phong, gương mẫu, tính cần cù, chịu khó yêu ngành, yêu nghề và là những người vợ, người mẹ chuẩn mực trong gia đình, trong việc chăm sóc, nuôi dạy con và xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đồng chí Bùi Nguyên Vy Thương đạt Huy chương Bạc môn cầu lông tại Hội thao Ngành KSND năm 2020.
Những giải pháp mang tính định hướng của Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ
Để có được kết quả nêu trên, bên cạnh sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của người nữ cán bộ kiểm sát, tập thể Ban cán sự, Lãnh đạo VKSND 2 cấp đã có nhiều biện pháp để động viên, khuyến khích, phát huy vai trò, nâng cao tinh thần tránh nhiệm của đội ngũ cán bộ nữ trong ngành: Lãnh đạo đơn vị luôn xác định công tác cán bộ nữ là giải pháp quan trọng khai thác nguồn nhân lực nữ, tạo cơ hội cho phụ nữ cống hiến và trưởng thành. Đơn vị đã thành lập và duy trì hoạt động tích cực, hiệu quả của Ban vì sự tiến bộ của phụ nữ; Ban nữ công tại các đơn vị VKSND 2 cấp… Cấp ủy đảng, Lãnh đạo Viện thường xuyên quan tâm chăm lo đời sống của lực lượng cán bộ nữ; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ nữ yên tâm công tác; thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, giao lưu, học hỏi cho cán bộ nữ để khuyến khích, động viên chị em trong công tác. Chú trọng công tác cán bộ nữ, đã chủ động phát hiện, giới thiệu nhiều cán bộ nữ ưu tú, có năng lực, triển vọng phát triển để kết nạp vào đảng, đưa vào quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý. Các đơn vị VKSND 2 cấp khi có nhu cầu bố trí sử dụng, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử... đều quan tâm lựa chọn cán bộ nữ. Quan tâm công tác điều động, luân chuyển, sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ đối với cán bộ nữ, đảm bảo phù hợp với năng lực trình độ, điều kiện gia đình, nguyện vọng của cán bộ nữ… từ đó tạo điều kiện thuận lợi nhất trong công tác của chị em. Trong xem xét thi đua, khen thưởng, đơn vị cũng quan tâm, lưu ý lựa chọn khen thưởng đối với cán bộ nữ, nhất là các đồng chí là người lao động trực tiếp.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được so với các mục tiêu phấn đấu mà Chiến lược về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 trong ngành Kiểm sát đề ra, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ VKSND tỉnh nhận thấy một số chỉ tiêu vượt và đạt như tỷ lệ nữ là Đảng viên, Kiểm sát viên và tỷ lệ nữ được đào tạo hàng năm; một số chỉ tiêu chưa đạt như tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo quản lý, công chức nữ được đào tạo sau đại học và đào tạo trình độ cao cấp, cử nhân lý luận chính trị... Do vậy, Ban vì sự tiến bộ phụ nữ VKSND tỉnh xác định:
+ Tiếp tục tham mưu cho Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Lãnh đạo VKSND tỉnh tăng cường vai trò lãnh đạo; tuyên truyền, vận động để các cấp ủy và lãnh đạo các đơn vị, các đoàn thể và đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động có nhận thức đúng đắn về vai trò của đội ngũ cán bộ nữ. Tạo mọi điều kiện để đội ngũ công chức nữ phát huy được vai trò, vị thế trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trên địa bàn, thực hiện tốt chủ trương “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Chất lượng, hiệu quả” nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Kiểm sát nhân dân.
+ Đẩy mạnh các giải pháp nhằm tăng tỷ lệ cán bộ công chức nữ giữ các chức vụ lãnh đạo quản lý của Ngành, tham gia cấp ủy Đảng và có cơ hội tham gia vào mọi hoạt động của Ngành. Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ nữ và thực hiện tốt khâu tuyển chọn, đánh giá cán bộ làm tiền đề xây dựng quy hoạch cán bộ nữ, giới thiệu những cán bộ nữ ưu tú cho việc bổ nhiệm Kiểm sát viên và các vị trí lãnh đạo, bổ sung quy hoạch các vị trí lãnh đạo cho cán bộ nữ tiềm năng.
+ Tích cực tổ chức, phát động các phong trào thi đua trong lao động nữ và các hoạt động ý nghĩa nhân dịp ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, ngày thành lập Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10. Động viên công chức, người lao động nữ phát huy trí tuệ, bản lĩnh, chủ động học tập nâng cao kiến thức, kỹ năng, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác chuyên môn, nhiệt tình tham gia các hoạt động xã hội, đoàn thể và địa phương nơi cư trú; tiếp tục cống hiến, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát nhân dân, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay.
Cuối cùng, xin mượn bài thơ “Mẹ là kiểm sát viên” để nói lên những nỗi niềm vất vả và sự hi sinh thầm lặng của người phụ nữ khi đóng vai trò vừa làm mẹ, vừa chiến đấu thầm lặng trên mặt trận bảo vệ công lý:
Con ngủ cùng bố nhé
Mẹ đi hiện trường đây
Bé con vẫn đang say
Trong giấc nồng có mẹ
Sớm mẹ đi xử nhé
Lưu động đường rất xa
Bố cho con ăn sáng
Gặp lại con chiều nha
Mẹ đi công tác xa
Con ở nhà ngoan nhé
Ba bố con mạnh khỏe
Mẹ yên tâm vắng nhà
Bé con ngủ đi mà
Để mẹ còn làm nữa
Sắp hết ngày tạm giữ
Người này giam hay tha?
Giao thừa mẹ vào ca
Hẹn con sau tết nhé
Trực xong mẹ gặp bé
Xuân về tràn nhà ta.
Với đặc thù giới tính và nghề nghiệp, các nữ Cán bộ, Kiểm sát viên luôn cố gắng làm tốt công tác ở cơ quan lại vừa làm tròn trách nhiệm của người con, người vợ, người mẹ... trong gia đình. Để hoàn thành tốt các cương vị này, mỗi nữ cán bộ kiểm sát phải có sự cố gắng, nỗ lực hết mình, đồng thời phải có sự động viên, hậu thuẫn từ phía gia đình. Khắc ghi lời dạy của Bác“Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập”, phụ nữ Ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng khẳng định vai trò, vị trí của mình trong công tác, gặt hái được nhiều thành công. Phải cùng lúc gánh vác hai nhiệm vụ quan trọng trong xã hội và gia đình song các nữ cán bộ kiểm sát luôn cố gắng chủ động, sáng tạo trong công việc, xung phong đảm nhiệm những phần việc khó khăn, phức tạp. Chúc những bông hoa xinh đẹp của Ngành kiểm sát nhân dân nói chung và Ngành kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định nói riêng luôn giữ vững bản lĩnh, tự tin, xinh đẹp để thành công trên cả hai mặt trận, đem lại hoa thơm trái ngọt cho Ngành./.