Phòng 9 tổ chức phiên tòa phúc thẩm xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự

Ngày 08/11/2021, Phòng 9 - Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định phối hợp với Tòa án nhân dân cùng cấp tổ chức phiên tòa phúc thẩm xét xử rút kinh nghiệm vụ án “Tranh chấp ranh giới bất động sản liền kề, quyền về thoát nước qua bất động sản liền kề, nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản, bồi thường thiệt hại tài sản” giữa Nguyên đơn ông bà Đặng Thị H và Bị đơn ông Đặng Văn N, bà Lê Thị L cùng địa chỉ Thôn Đệ Đức 1, phường Hoài Tân, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Phiên tòa diễn ra đảm bảo các quy định về các biện pháp phòng chống dịch Covid.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Thửa đất số 1339, tờ bản đồ số 16, diện tích 631m2 tọa lạc tại Hoài Tân, Hoài Nhơn, Bình Định được UBND huyện Hoài Nhơn cấp GCNQSDĐ cho bà Đặng Thị H vào ngày 16/5/2006. Liền kề với thửa đất của bà H về phía Đông là thửa đất số 1219, tờ bản đồ số 16, diện tích 743m2 được UBND huyện Hoài Nhơn cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Đặng Văn N, bà Lê Thị L vào ngày 26/9/2007. Ranh giới hai thửa đất có hàng rào cây sống. Bà H khởi kiện cho rằng năm 2009 vợ chồng ông N, bà L phá một đoạn hàng rào cây sống và xây dựng móng nhà lấn qua đất của bà. Theo kết quả đo đạc thực tế thì thửa đất của bà H tăng 12,8m2, diện tích đất của vợ chồng ông N giảm 18,3m2 so với GCNQSDĐ đã cấp. Mặt khác, chiều dài thực tế cạnh phía Nam và phía Bắc của thửa đất ông N đều giảm. Đồng thời, trong thời gian ông N xây nhà, những người thợ xây làm chứng đều khẳng định vợ chồng ông Ngọc xây nhà trên nền móng cũ, khi xây nhà bà Hương không có tranh chấp. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu bà H, buộc ông N phải phải lắp đặt đường dẫn nước không được chảy xuống bất động sản của bà Đặng Thị H và dọn dỡ các vật liệu xây dựng phế thải đang bỏ trên phần đất của bà H. Không chấp nhận yêu cầu trả đất lấn chiếm và bồi thường cây mít bị thiệt hại. Bà H kháng cáo một phần Bản án sơ thẩm.
Đây là vụ án có quan hệ tranh chấp phức tạp, qua nhiều lần xét xử, các đương sự là anh, em họ hàng với nhau hội đủ tiêu chí để lựa chọn thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm, Kiểm sát viên khi được phân công đã thực hiện đúng hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao. Trước phiên tòa, Kiểm sát viên được phân công tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ, báo cáo đề xuất quan điểm giải quyết vụ án rõ ràng, dự thảo câu hỏi cùng những tình huống phát sinh và dự thảo phát biểu tại phiên tòa.
  Toàn cảnh phiên tòa
 
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của đương sự và những người tham gia phiên tòa đồng thời căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Kiểm sát viên chủ động hỏi rõ những nội dung còn mâu thuẫn và lồng ghép việc giải thích, tuyên truyền pháp luật đến các đương sự. Căn cứ vào diễn biến và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu quan điểm được Hội đồng xét xử chấp nhận giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
    Phòng 9 tổ chức họp rút kinh nghiệm
 
Sau phiên toà, Phòng 9 đã tổ chức họp rút kinh nghiệm theo Hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Tại cuộc họp, các ý kiến tham gia đánh giá đều nêu lên những ưu điểm, hạn chế của Kiểm sát viên, qua đó Kiểm sát viên tiếp tục phát huy những ưu điểm, đồng thời để Kiểm sát viên tham dự phiên tòa tích lũy kinh nghiệm nhằm nâng cao kỹ năng, trình độ nghiệp vụ trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình trong thời gian tới./

 

  Ánh Ngân 

 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Trở về 1 2 3 4 5 Tiếp

Số lượt truy cập:7,777,771 lượt

Số người online:3,623 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn