Bài tham luận
Thành phố Quy Nhơn là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Định. Trong những năm gần đây, nền kinh tế của thành phố Quy Nhơn ngày càng phát triển, nhất là lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch nên số lượng người đến Quy Nhơn tăng mạnh, từ đó tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố có sự gia tăng đáng kể, hành vi phạm tội đa dạng; tội phạm phi truyền thống, công nghệ cao phát sinh,…Số lượng nguồn tin về tội phạm và án hình sự chiếm gần 1/3 số lượng của toàn tỉnh Bình Định. Theo đó, áp lực công việc đối với mỗi Kiểm sát viên làm công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự của Viện KSND thành phố Quy Nhơn là rất lớn. Đòi hỏi Kiểm sát viên phải luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong quá trình thực thi nhiệm vụ và phát huy hết trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ được giao mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Viện KSND TP. Quy Nhơn là đơn vị có đa số là Kiểm sát viên trẻ, mới được bổ nhiệm nên kinh nghiệm công tác, bản lĩnh, kỹ năng nghiệp vụ có mặt còn hạn chế; khả năng chịu áp lực công việc chưa cao. Do đó, lãnh đạo Viện KSND Tp Quy Nhơn luôn xác định công tác cán bộ là then chốt, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, KSV về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đặt ra yêu cầu KSV phải tăng cường trách nhiệm trong công tác, bao gồm: Trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; trách nhiệm thực thi đúng quy định pháp luật, trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế nghiệp vụ của Ngành, trách nhiệm trong thực hiện sự đoàn kết nội bộ, trách nhiệm phối hợp trong giải quyết án hình sự với các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng cùng cấp, với đồng chí, đồng nghiệp trong đơn vị; trách nhiệm trong việc hướng dẫn, dìu dắt, hỗ trợ nhau trong công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự. Từ đó, Kiểm sát viên Viện KSND Tp Quy Nhơn không ngừng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự và luôn xác định trách nhiệm của KSV chính là trách nhiệm đối với Đảng, Nhà nước, Nhân dân, đối với ngành KSND; trách nhiệm đối với đơn vị và chính bản thân KSV.
Với ý thức và kết quả phát huy trách nhiệm đó, trong công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự trong nhiều năm qua, không có KSV nào bị xử lý từ hình thức kỷ luật trở lên vì thiếu trách nhiệm, nhiều KSV được luân chuyển, điều động để làm lãnh đạo hoặc bổ sung chocác đơn vị khác; Viện KSND Tp Quy Nhơn không để xảy ra trường hợp nào oan, sai, bỏ lọt tội phạm; chất lượng, hiệu quả công tác ngày càng được nâng lên; vị thế, vai trò của Viện KSND Tp Quy Nhơn và KSV ngày càng được ghi nhận và xem trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ở địa phương.
Đạt được những kết quả này, Viện KSND thành phố Quy Nhơn đã triển khai thực hiện có hiệu quả một số giải pháp như sau:
Một là, đơn vị đã xây dựng cơ chế và môi trường làm việc đề cao vai trò, trách nhiệm và phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, Kiểm sát viên.
Lãnh đạo đơn vị thường xuyên lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của Kiểm sát viên, tạo môi trường và điều kiện để Kiểm sát viên phát huy vai trò, chủ động hơn trong công việc, có tinh thần sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Hai là, đổi mới trong công tác đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị bằng nhiều hình thức.
Trong nhiều năm qua, việc xây dựng và tổ chức Hội thảo chuyên đề về nghiệp vụ, đặc biệt là trên lĩnh vực hình sự đã được Viện KSND TP. Quy Nhơn thực hiện thường xuyên và được xem là một phương pháp tự đào tạo mang lại hiệu quả cao.
Lãnh đạo Viện và Kiểm sát viên có kinh nghiệm, năng lực, có bản lĩnh nghề nghiệp sẽ trực tiếp hướng dẫn cán bộ, Kiểm sát viên trẻ thông qua hoạt động nghiệp vụ.
Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự như: số hóa hồ sơ vụ án hình sự, công bố hình ảnh tại phiên tòa; xây dựng sơ đồ tư duy; tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm là biện pháp đào tạo trực quan sinh động, có hiệu quả cao trong đào tạo nghiệp vụ cho KSV.
Cán bộ, Kiểm sát viên thường xuyên nghiên cứu và thảo luận về những nội dung cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự thông qua các vụ án bị trả hồ sơ điều tra bổ sung, cac vụ án bị hủy hoặc các Thông báo rút kinh nghiệm của VKS cấp trên; các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật,…
Ba là, lãnh đạo Viện thường xuyên kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên; phân công công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết án hình sự phù hợp cho từng cán bộ, Kiểm sát viên.
Bốn là, mỗi Kiểm sát viên phải tự giác thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy chế, quy định của Ngành trong công tác THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự ngày từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm. Phải xem đây là biện pháp để tự bảo vệ bản thân mình, hơn thế nữa bảo vệ đơn vị, bảo vệ Ngành, bảo vệ công lý.
Đấu tranh phòng, chống tội phạm là chủ trương hết sức quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Nhiệm vụ đặt ra trong công tác này là phải phát hiện chính xác, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không bỏ lọt tội phạm, không làm oan người vô tội. Với vai trò là người tiến hành tố tụng, thực hiện chức năng THQCT, kiểm sát giải quyết án hình sự, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân,…nhiệm vụ đặt ra đối với mỗi KSV là rất lớn, trách nhiệm của KSV càng phải cao. Do đó, với việc tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công tác, tin tưởng rằng trong thời gian đến, Kiểm sát viên Viện KSND Tp Quy Nhơn sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đã được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường bình yên, ổn định để thành phố Quy Nhơn phát triển nhanh, toàn diện và bền vững về các mặt kinh tế - xã hội./.
Dương Văn Nhất