Giải pháp nâng cao số lượng, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính, kinh doanh thương mại

Bài tham luận

Đ/c Nguyễn Thị Thanh Thuỷ - Phó trưởng phòng Phòng 10 trình bày tham luận tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, công tác năm 2023

Năm 2022, số lượng án hành chính, kinh doanh thương mại mà Viện KSND 2 cấp tỉnh Bình Định thụ lý tăng hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, số lượng và chất lượng kháng nghị phúc thẩm còn thấp so với số án bị huỷ, sửa có phần trách nhiệm của Kiểm sát viên. Chính vì vậy, Phòng 10 đề nghị tập trung thực hiện tốt một số giải pháp như sau:
Thứ nhất, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 07/CT-VKSNDTC ngày 06/8/2021 của Viện trưởng Viện KSND tối cao về “Tiếp tục tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các vụ án hành chính, vụ việc dân sự”.
Thứ hai, nâng cao trách nhiệm của kiểm sát viên trong kiểm sát giải quyết án hành chính, luôn có tinh thần thượng tôn pháp luật, có bản lĩnh dám nghỉ, dám làm, bảo vệ cái đúng, đấu tranh với cái sai có tinh thần vượt khó nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Do đó, Viện trưởng Viện KSND 2 cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác kiểm sát giải quyết án hành chính, kinh doanh thương mại và quyết định kháng nghị của cấp mình.
Thứ ba, nâng cao kỹ năng nghiên cứu hồ sơ vụ án hành chính, kinh doanh thương mại của cán bộ, kiểm sát viên.
Thứ tư, chủ động thu thập tài liệu, chứng cứ phục vụ cho việc kháng nghị cũng như xem xét quan điểm của đương sự sau khi có phán quyết của Toà án để xem xét kháng nghị.
Thứ năm, tăng cường sự phối hợp giữa VKSND cấp huyện và Phòng 10 trong việc trao đổi nghiệp vụ, nhất là trước khi ban hành kháng nghị phúc thẩm.
Thứ sáu, yêu cầu VKSND cấp huyện kịp thời sao gửi bản án, quyết định cho VKSND tỉnh để kiểm sát và thực hiện quyền kháng nghị; tổ chức rút kinh nghiệm đối với các trường hợp bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị Toà án cấp trên hủy, sửa nghiêm trọng do nguyên nhân chủ quan của cấp sơ thẩm có trách nhiệm của Viện kiểm sát.
Thứ bảy, Lãnh đạo đơn vị luôn quan tâm công tác đào tạo và tự đào tạo tại đơn vị; bố trí đủ công chức, Kiểm sát viên có năng lực chuyên môn, có kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong lĩnh vực công tác này; phân công Kiểm sát viên có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn trực tiếp Kiểm sát viên mới. Xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên có tính ổn định, chuyên sâu và tính kế thừa.
Tóm lại, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm các vụ án hành chính, KDTM cần có sự nổ lực, phấn đấu của tất cả lãnh đạo, cán bộ, kiểm sát viên kiểm sát án hành chính, KDTM; đồng thời, cần triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm sát án hành chính, KDTM nói chung, công tác kháng nghị phúc thẩm loại án này nói riêng./.
Hàn Yên 

CÁC BÀI LIÊN QUAN

Số lượt truy cập:7,742,608 lượt

Số người online:712 người

© Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định thiết kế và giữ bản quyền
Mong bạn đọc góp ý kiến. Thư điện tử liên hệ: trangtinvks_binhdinh@vks.gov.vn